Ô tô phải có công nghệ ngăn lái xe say rượu
Quốc hội Mỹ đang đặt ra yêu cầu mới đối với các nhà sản xuất ô tô: Tìm ra phương pháp công nghệ cao ngăn những người say rượu lái ô tô...
Đây là nội dung của một trong những nhiệm vụ cùng với loạt chi tiêu mới nhằm cải thiện tính an toàn của ô tô trong gói cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ đô la mà Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ sớm đặt bút ký. Yêu cầu được đưa ra trong bối cảnh các vụ tai nạn ô tô gây tử vong đang leo thang.
Theo luật, hệ thống giám sát ngăn chặn những người say rượu lái xe sẽ được triển khai trên tất cả các phương tiện mới sớm nhất là vào năm 2026. Tổng cộng, khoảng 17 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các chương trình an toàn đường bộ, mức tăng tài trợ lớn nhất trong nhiều thập kỷ, theo Trung tâm Giao thông Vận tải Eno.
“Thật là hoành tráng”, Alex Otte, chủ tịch quốc gia của Hội Những bà mẹ chống say rượu cho biết. Otte gọi gói này là “đạo luật quan trọng nhất” trong lịch sử, đánh dấu “sự khởi đầu của việc chấm dứt nạn lái xe khi say rượu”.
Tháng trước, Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia, báo cáo ước tính có khoảng 20.160 người chết vì va chạm giao thông trong nửa đầu năm 2021, tổng số người chết trong nửa đầu năm cao nhất kể từ năm 2006. Cơ quan này đã chỉ ra hành vi chạy quá tốc độ, lái xe kém và không thắt dây an toàn trong thời gian đại dịch là các yếu tố khiến số lượng người tử vong gia tăng đột biến.
Mỗi năm, khoảng 10.000 người thiệt mạng do các vụ va chạm liên quan đến lái xe say rượu ở Mỹ, chiếm gần 30% tổng số ca tử vong do giao thông.
Hiện tại, một số người lái xe say rượu ở Mỹ đã bị kết án phải sử dụng thiết bị thở gắn vào khóa đánh lửa, thổi vào ống và vô hiệu hóa phương tiện nếu nồng độ cồn trong máu của họ quá cao. Luật pháp không quy định cụ thể về công nghệ mà chỉ quy định phải “giám sát thụ động hoạt động của người điều khiển phương tiện cơ giới để xác định chính xác liệu người lái xe đó có thể bị suy giảm chức năng hay không”.
Sam Abuelsamid, nhà phân tích di chuyển chính của Guidehouse Insights, cho biết hệ thống có khả năng nhất để ngăn chặn tình trạng lái xe say xỉn là camera hồng ngoại theo dõi hành vi của người lái xe. Công nghệ đó đã được các nhà sản xuất ô tô như General Motors, BMW và Nissan lắp đặt để theo dõi sự chú ý của người lái trong khi sử dụng các hệ thống hỗ trợ người lái tự động một phần.
Các camera đảm bảo người lái xe đang quan sát đường và lưu ý các dấu hiệu buồn ngủ, mất ý thức hoặc suy giảm chức năng.
Nếu phát hiện dấu hiệu, xe ô tô sẽ cảnh báo người lái xe, và nếu hành vi này vẫn tiếp diễn, xe ô tô sẽ bật đèn báo nguy hiểm, giảm tốc độ và tấp vào lề đường.
Theo Abuelsamid, máy hút khí không phải là một giải pháp thực tế vì nhiều người sẽ phản đối việc bị buộc phải thổi vào ống mỗi khi họ lên xe.
Dự luật khổng lồ cũng yêu cầu các nhà sản xuất ô tô lắp đặt hệ thống nhắc nhở hàng ghế sau để cảnh báo cho các bậc cha mẹ tình huống vô tình bỏ quên trẻ em ở ghế sau. Quy định này có thể bắt đầu vào năm 2025. Kể từ năm 1990, khoảng 1.000 trẻ em đã chết vì say nắng sau khi bị bỏ quên trong xe ô tô.
Ngoài ra, Quốc hội cũng yêu cầu các nhà sản xuất ô tô cập nhật các tiêu chuẩn an toàn đã có từ hàng thập kỷ để tránh nguy cơ tử vong do ngã đè vào hàng ghế trước và ban hành quy tắc yêu cầu phanh khẩn cấp tự động, cảnh báo chệch làn đường trên tất cả các phương tiện chở khách.
Hầu hết các nhà sản xuất ô tô đều đồng ý trang bị tiêu chuẩn phanh khẩn cấp tự động cho hầu hết các mẫu xe của họ vào tháng 9 năm sau.
Theo hãng tin AP, những người ủng hộ các biện pháp an toàn đường bộ lo ngại rằng dự luật chưa giải quyết một cách mạnh mẽ cuộc khủng hoảng mới nổi của Mỹ, đó là cuộc khủng hoảng về số người tử vong do tai nạn giao thông tăng nhanh. Họ thúc giục Bộ Giao thông vận tải đưa ra các giải pháp tức thời.
Bộ Giao thông vận tải Mỹ gần đây cho biết sẽ phát hành một phương pháp tiếp hệ thống an toàn đường bộ vào tháng 1/2022, nhằm đảm bảo an toàn đối với mọi lái xe, đường phố, phương tiện, tốc độ và cả chăm sóc y tế sau va chạm.