Ông Biden tính dỡ thuế quan Mỹ-Trung thời ông Trump để kéo lạm phát xuống
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị công bố báo cáo lạm phát mới nhất, với con số được dự báo trên ngưỡng 8%. Việc nới hoặc dỡ toàn bộ thuế quan Mỹ-Trung là một trong số ít những lựa chọn lúc này...
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ông có thể dỡ bỏ một số thuế quan áp lên hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc từ thời người tiền nhiệm Donald Trump, nhằm giúp kiểm soát sự tăng giá của hàng hoá tiêu dùng tại Mỹ. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị công bố báo cáo lạm phát mới nhất, với con số được dự báo trên ngưỡng 8%.
Trong một bài phát biểu từ Washington vào ngày 10/5, ông Biden cho biết Nhà Trắng đang rà soát các biện pháp thuế quan mà Mỹ áp dụng đối với hàng hoá Trung Quốc từ thời ông Trump. Việc áp thuế quan này đã góp phần đẩy tăng giá vô số hàng hoá tiêu dùng ở Mỹ, từ tã giấy trẻ em cho tới quần áo và đồ gia dụng. Ông Biden cũng nói Chính phủ Mỹ có thể dỡ tất cả những thuế quan này.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc nới hoặc dỡ toàn bộ thuế quan Mỹ-Trung là một trong số ít những lựa chọn giữa lúc Nhà Trắng sẵn sàng làm bất kỳ điều gì có thể để “hạ nhiệt” giá tiêu dùng.
“Chúng tôi đang tính xem cách nào mang lại hiệu quả tích cực nhất”, ông Biden nói và cho biết thêm rằng việc dỡ thuế quan đang được bàn bạc.
Không lâu sau khi lên cầm quyền, ông Trump đã mạnh tay áp thuế quan lên hàng hoá Trung Quốc, châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng” kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông coi thuế quan như một biện pháp để “xử lý” những hành vi thương mại của Trung Quốc mà Mỹ cho là bất bình đẳng, thông qua đó củng cố sức mạnh cho hàng hoá Mỹ, tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ và cân bằng cán cân thương mại Mỹ-Trung vốn luôn trong tình trạng thâm hụt khổng lồ.
Giới chuyên gia không có một quan điểm đồng nhất nào về việc nếu Mỹ dỡ thuế quan thời ông Trump đối với hàng hoá Trung Quốc thì lạm phát ở Mỹ sẽ giảm được bao nhiêu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc nới hoặc dỡ toàn bộ thuế quan Mỹ-Trung là một trong số ít những lựa chọn giữa lúc Nhà Trắng sẵn sàng làm bất kỳ điều gì có thể để “hạ nhiệt” giá tiêu dùng.
Trong bài phát biểu của mình, ông Biden nhắc lại rằng đại dịch Covid-19 và chiến tranh Nga-Ukraine là những nguyên nhân đẩy giá cả ở Mỹ tăng với tốc độ mạnh nhất kể từ đầu thập niên 1980.
“Tôi muốn mọi người Mỹ biết rằng tôi đang xem xét vấn đề lạm phát một cách rất nghiêm túc. Nguyên nhân đầu tiên của lạm phát là trận đại dịch cả thế kỷ mới có một lần này. Đại dịch đã làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu, khiến cho chuỗi cung ứng và nhu cầu bị xáo trộn mạnh”, ông nói. “Và năm nay, chúng ta có một nguyên nhân lạm phát thứ hai nữa, cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine”.
Do ảnh hưởng của chiến tranh, giá dầu WTI giao sau tại Mỹ hiện đã tăng khoảng 30 USD/thùng so với đầu năm, giá lúa mỳ và giá ngô tăng tương ứng 40% và 30%.
Giới chuyên gia kinh tế nói rằng sự kết hợp giữa đại dịch, nhất là việc Trung Quốc phong toả để chống đợt bùng dịch gần đây, và chiến tranh Nga-Ukraine là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Mỹ tăng 8,5% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh nhất kể từ cuối năm 1981. Số liệu CPI tháng 4 sẽ được công bố vào ngày thứ Tư, với mức tăng được giới phân tích dự báo là 8,1%.
Tuyên bố trên của ông Biden là nỗ lực mới nhất của chính quyền ông nhằm thuyết phục công chúng Mỹ rằng Nhà Trắng đang tìm kiếm mọi giải pháp có thể để kiềm chế giá cả. Hàng chục cuộc khảo sát gần đây cho thấy người Mỹ giờ đây tin rằng lạm phát là vấn đề chính mà nước Mỹ đang phải đối mặt và là một mối đe doạ đối với sự phục hồi kinh tế.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện đang ở mức thấp, chỉ 3,6% trong tháng 4, nhưng giá xăng và giá thực phẩm tăng đang tiếp tục bào mòn thu nhập của người dân và gây tâm lý bất bình trong dân chúng. Những tuần gần đây, ông Biden đã có nhiều phát biểu nhằm xoa dịu nỗi bất bình này.
Tuần trước, ông Biden nói về việc thâm hụt ngân sách liên bang đã giảm nhiều trong tài khoá này - một sự dịch chuyển tích cực so với điều mà ông cho là chi tiêu bừa bãi thời người tiền nhiệm đến từ Đảng Cộng hoà. Ông nhấn mạnh rằng đây là một bước tiến tới trách nhiệm tài khoá và ổn định giá cả.
Trong khi đó, phe Cộng hoà lập luận rằng phần lớn lạm phát chính là kết quả của chính sách kinh tế tham vọng quá mức của Đảng Dân chủ, bao gồm hàng tỷ USD bơm ra nền kinh tế trong thời gian đại dịch căng thẳng, cũng như gói đầu tư hạ tầng khổng lồ mà ông Biden ký thành luật vào năm 2021. Sự chỉ trích này đặt ra một thách thức chính trị cho Đảng Dân chủ của ông Biden trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm nay, cuộc bỏ phiếu mà đảng này có thể để mất quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội vào tay những người Cộng hoà.
Về phần mình, ông Biden đáp trả sự công kích này bằng cách nhấn mạnh những nỗ lực của chính quyền ông trong việc giảm giá thuốc kê đơn và tăng thuế đối với tầng lớp siêu giàu.
“Kế hoạch của Đảng Cộng hoà trong Quốc hội là gì? Họ không muốn giải quyết vấn đề lạm phát bằng cách giảm chi phí cho các bạn. Họ muốn giải quyết chuyện đó bằng cách tăng thuế và giảm thu nhập của các bạn”, ông Biden nói ngày 10/5. “Kế hoạch của họ thực chất sẽ chỉ khiến các gia đình lao động nghèo đi mà thôi”.