Ông Lã Giang Trung: “Quá nhiều rủi ro, VN-Index có thể thủng đáy của năm 2022”
Thị trường với quá nhiều rủi ro hiện tại như khả năng suy thoái kinh tế thế giới, khủng hoảng kinh tế, VN-Index sẽ xuống thấp hơn mức thấp nhất của năm ngoái trong năm nay...
"Thị trường với quá nhiều rủi ro hiện tại như khả năng suy thoái kinh tế thế giới, khủng hoảng kinh tế, Vn-Index sẽ xuống thấp hơn mức thấp nhất của năm ngoái trong năm nay", ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment nói như vậy tại chương trình Bí mật đồng tiền diễn ra trưa ngày 22/3.
Đáy của VN-Index năm 2022 rơi vào tháng 11, khi đó chỉ số có lúc chạm mốc 874 điểm.
Cụ thể, theo ông Trung, kịch bản khủng hoảng kinh tế đã nằm trong kịch bản Passion Investment nghiên cứu và dự tính có khả năng xảy ra cao nhất. Hai cuối tuần vừa qua là sự kiện Silicon Valley Bank sụp đổ, tiếp theo là Credit Suisse bị mua lại, thể hiện một điều là những vấn đề của nền kinh tế đang được phát hiện và nổi lên rất nhanh.
Trong giai đoạn khi thắt chặt kinh tế, hệ thống tài chính khó khăn, những việc như vậy xảy ra nhanh và SVB, Credit Suisse là chỉ báo đầu tiên khả năng khủng hoảng kinh tế, đây là khả năng xảy ra cao nhất.
"Thực ra, chúng tôi đã làm trước việc quản trị rồi và đang đợi kịch bản này xảy ra. Khủng hoảng theo tôi hiểu là suy thoái nặng, nếu suy thoái nặng diễn ra, tăng trưởng GDP thế giới âm vài quý, nếu việc tiếp tục khó khăn giữa các tổ chức tài chính, nhiều tổ chức bị phá sản, mua lại thì dòng chảy tài chính chậm lại. Khi đó tất cả hoạt động kinh tế chậm lại đột ngột, dù Fed bơm tiền ra nhanh thì hoạt động kinh tế vẫn chậm lại", ông Trung nhấn mạnh.
Bình luận thêm về kịch bản đêm nay của Fed, theo ông Trung, nếu Fed dừng tăng lãi suất ở thời điểm hiện tại sẽ không đồng nhất, còn tăng quá mạnh thì bây giờ mới tăng đến ngưỡng này và nhiều ngân hàng đã gặp khó khăn, tăng tiếp 50 điểm nữa thì hơi quá. Khả năng cao, theo dự đoán, Fed tăng 0,25 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, dù Fed tăng lãi suất nhanh nhưng việc hút thanh khoản trở về từ năm ngoái đến giờ cũng không nhiều. Thực tế cho thấy, dù tăng lãi suất nhưng lại bơm ra thị trường 300 tỷ, động thái ngược chiều nhau như thế này cho thấy một mặt chống lạm phát, một mặt vẫn hỗ trợ thị trường tài chính.
Tác động của Fed đối với việc đầu tư là rất lớn, nhất là ở một số thời điểm mang tính bước ngoặt, còn sau khi bước ngoặt xảy ra thì Fed không tác động nhiều nữa.
Các bước ngoặt này gồm thời điểm Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ, thị trường sau đó một khoảng thời gian sẽ bước vào giai đoạn tăng lên; và thời điểm Fed bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ, thị trường sau đó một khoảng thời gian sẽ bắt đầu đi xuống.
Liên quan đến khối ngoại, vị chuyên gia này cho biết hiện khối ngoại đang mua ròng rất tốt nhưng khi kịch bản khó khăn của nền kinh tế xảy ra thì khối ngoại chắc chắn sẽ đảo chiều trở lại bán ròng, khi đó cùng với thanh khoản rất thấp, thị trường sẽ thực sự trở nên đáng lo ngại.
Tâm điểm chú ý của giới đầu tư thế giới cũng như Việt Nam giờ đây hướng sang Fed - ngân hàng trung ương sẽ kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào rạng sáng mai theo giờ Việt Nam. Tại lần họp này, Fed sẽ cập nhật các dự báo kinh tế và có thể tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát.
“Fed sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm và thị trường sẽ không bận tâm lắm về việc đó. Điều khiến nhà đầu tư quan tâm là những gì mà Chủ tịch Fed Jerome Powell nói về nền kinh tế và lạm phát, cũng như việc liệu ông có thể thuyết phục công chúng rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng chỉ là do quản trị kém tại một số ngân hàng mà thôi”, ông Pursche nhận định.
Hiện tại, thị trường tài chính đang đặt cược khả năng 83,4% Fed nâng lãi suất 25 điểm phần trăm và 16,6% Fed giữ nguyên lãi suất - theo công cụ FedWatch của CME Group.