Ông Powell củng cố xu hướng mất giá của đồng USD?
Đồng USD đã trượt giá kể từ khi giới đầu tư bắt đầu tin rằng Fed đang tiến tới giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Xu hướng này có thể được củng cố sau cuộc họp ngày 1/2 của Fed...
Tỷ giá đồng USD trên thị trường quốc tế ngày 1/2 rớt xuống đáy 9 tháng sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhận định Fed đã đạt tiến bộ trong việc giảm áp lực lạm phát. Cú sụt này diễn ra ngay cả khi tuyên bố của Fed nói rằng ngân hàng trung ương này còn tiếp tục tăng lãi suất cho tới khi lạm phát thực sự được khống chế.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác có lúc giảm khoảng 1%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022. Từ mức đỉnh của 20 xấp xỉ 115 điểm thiết lập vào tháng 9 năm ngoái, Dollar Index hiện đã giảm về ngưỡng 101 điểm, tương đương mức giảm gần 12,2%.
Đồng USD đã trượt giá kể từ khi giới đầu tư bắt đầu tin rằng Fed đang tiến tới giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ vì lạm phát ở Mỹ đã giảm nhiệt sau khi lập đỉnh 41 mức vào mùa hè năm ngoái.
Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 31/1-1/2, Fed hạ tốc độ tăng lãi suất về 0,25 điểm phần trăm - một động thái không nằm ngoài dự báo, nhưng khẳng định cần tiếp tục tăng lãi suất và sẽ không giảm lãi suất trong năm nay. Dù vậy, ông Powell đã có những phát biểu được đánh giá là mềm mỏng bất ngờ trong cuộc họp báo sau đó, nói rằng quá trình giảm lạm phát có thể đã bắt đầu.
Một số nhà phân tích cho rằng phát biểu này của ông Powell có thể củng cố xu hướng mất giá của đồng USD.
“Thị trường đã kỳ vọng ông Powell thừa nhận rằng lạm phát đang giảm, và có vẻ như ông ấy khá tin tưởng rằng xu hướng giảm này của lạm phát sẽ tiếp tục”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định với hãng tin CNBC.
“Fed còn nhận 2 báo cáo lạm phát nữa trước khi bước vào cuộc họp tháng 3. Nếu áp lực lạm phát tiếp tục giảm, họ sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 1 lần nữa thay vì tăng thêm 2 lần như dự báo đưa ra hồi cuối năm ngoái. Đây là một tin tốt đối với những tài sản rủi ro, tin tốt đối với đồng USD, và đẩy đồng USD xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng trở lại đây”, ông Moya nói thêm.
Thời gian gần đây, nhà đầu tư phản ánh vào giá các tài sản, trong đó có đồng USD, một triển vọng chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn những gì các quan chức Fed nói. Họ đặt cược rằng điều kiện thắt chặt sẽ gây tụt giảm tăng trưởng kinh tế, thậm chí đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, từ đó buộc Fed phải xoay trục sang nới lỏng chính sách tiền tệ.
Thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược bình quân lãi suất cho vay đạt đỉnh ở mức 4,89% vào tháng 9 trước khi giảm về mức 4,39% trước tháng 12. Trong dự báo mới nhất đưa ra vào tháng 12, giới chức Fed kỳ vọng lãi suất cực đại của chu kỳ tăng này sẽ là hơn 5%. Sau đợt tăng ngày 1/2, lãi suất của Fed đạt mức 4,5-4,75% .
Cùng với sự giảm giá của đồng USD, tỷ giá đồng Euro so với USD trong phiên ngày 1/2 tăng lên mức hơn 1,1 USD đổi 1 Euro, mức cao nhất kể từ ngày 4/4. Tỷ giá đồng Yên so với USD cũng tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 20/1.
Nhưng gì ông Powell nói “giống như một sự giải toả, vì không có gì trong những lời ông ấy nói mang tính thách thức kỳ vọng của thị trường. Ông ấy vẫn nói lãi suất sẽ còn phải thắt chặt trong một thời gian nữa, nhưng điều đó không khiến thị trường mất đi hy vọng rằng lãi suất đỉnh chỉ duy trì trong khoảng 6 tháng thay vì trong 2 năm”, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối của National Australia Bank, ông Ray Attrill, nói với hãng tin Reuters.
Không còn lo nhiều về Fed, nhà đầu tư hướng sự chú ý tới các tuyên bố lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) dự kiến được công bố vào ngày thứ Năm. Cả ECB và BOE đều được dự báo sẽ tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong lần họp này. Việc Fed giảm tốc nhanh hơn so với ECB và BOE được cho là có thể gây thêm áp lực mất giá lên đồng USD.
“Rủi ro nằm ở chỗ mức tăng 0,5 điểm phần trăm của ECB là cứng rắn, còn mức tăng 0,5 điểm phần trăm của BOE lại là mềm mỏng. Điều đó có thể gây ra một số biến động tỷ giá”, ông Attrill nói.
Số liệu công bố ngày 1/2 cho thấy lạm phát toàn phần của Eurozone đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 1 vừa qua, nhưng lạm phát lõi lại tăng nhẹ. “Tôi nghĩ những số liệu này sẽ ảnh hưởng đến thông điệp mà ECB sắp đưa ra. Họ sẽ nói rằng họ còn nhiều việc phải làm”, ông Attrill nhận xét.