Ống thép chính xác của Việt Nam không bán phá giá tại Australia
Ủy ban Chống bán phá giá Australia đã xác định các doanh nghiệp Việt Nam không có hành vi bán phá giá, Chính phủ Việt Nam không trợ cấp và can thiệp vào ngành sản xuất ống thép chính xác…
Ngày 19/8/2021, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Ủy ban Chống bán phá giá Australia đã ban hành thông báo chính thức về việc chấm dứt điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với ống thép chính xác của Việt Nam và Đài Loan (vụ việc 550).
Căn cứ thông báo của Ủy ban Chống bán phá giá Australai, cơ quan này đã xác định các doanh nghiệp Việt Nam không có hành vi bán phá giá, Chính phủ Việt Nam không trợ cấp và can thiệp vào ngành sản xuất ống thép chính xác.
Trong khi đó, Ủy ban Chống bán phá giá Australia vẫn tiếp tục điều tra đối với các doanh nghiệp của Trung Quốc và Hàn Quốc và dự kiến báo cáo kết quả điều tra tới Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Khoa học và Công nghệ Australia để đưa ra quyết định cuối cùng trong tháng 8/2021.
Tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều được kết luận có biên độ bán phá giá âm (không bán phá giá) và không nhận trợ cấp hoặc nhận trợ cấp không đáng kể từ Chính phủ. Cụ thể, biên độ bán phá giá xác định cho các doanh nghiệp Việt Nam từ -12,2% tới -6,5%; biên độ trợ cấp từ 0% tới 0,01%.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, kết quả trên phản ánh những nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của cơ quan điều tra Australia, cũng như sự phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vụ việc để bảo về quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam.
Trước đó, ngày 1/6/2021, Ủy ban Chống bán phá giá Australia đã ban hành kết luận điều tra sơ bộ xác định ống thép chính xác có xuất xứ từ Việt Nam không bán phá giá và không nhận trợ cấp từ Chính phủ.
Về cáo buộc tình hình thị trường đặc biệt (PMS), Ủy ban Chống bán phá giá Australia cho rằng không có bằng chứng cho thấy có sự khác biệt về giá nguyên liệu giữa Việt Nam và các nước khác; và không có sự tác động của Chính phủ làm lệch lạc giá trị thông thường; các văn bản quy hoạch định hướng tổng thể cho ngành thép không còn hiệu lực ảnh hưởng. Chính vì vậy, ADC kết luận không tồn tại PMS tại Việt Nam.
Về mối quan hệ nhân quả, Ủy ban Chống bán phá giá Australia kết luận hàng hóa từ Việt Nam và Đài Loan không gây ra thiệt hại đáng kể. Thiệt hại của ngành sản xuất trong nước xuất phát từ hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Mức thuế chống bán phá giá sơ bộ mà các nhà sản xuất, xuất khẩu Hàn Quốc bị áp dụng là 6,2%; tổng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà các nhà sản xuất, xuất khẩu Trung Quốc bị áp dụng từ 11,9% đến 54,5%.