Ông trùm đầu cơ Ray Dalio: Thị trường đang hoảng, nhưng không nên giữ tiền mặt lúc này
Ông Dalio giữ vững quan điểm bấy lâu của ông rằng tiền mặt không phải là thứ tốt nhất để nắm giữ - cho dù thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh trong những phiên giao dịch gần đây...
Nhà đầu cơ nổi tiếng Ray Dalio - người sáng lập công ty quản lý quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates, giữ vững quan điểm bấy lâu của ông rằng tiền mặt không phải là thứ tốt nhất để nắm giữ - cho dù thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh trong những phiên giao dịch gần đây do sự xuất hiện của biến chủng Covid-19 mới.
“Tiền không phải là một tài sản an toàn, không phải là một ‘hầm trú ẩn’ vì tiền bị lạm phát ‘đánh thuế’”, ông Dalio nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC.
Trong những thời điểm biến động của thị trường, điều quan trọng là nhà đầu tư nắm một danh mục an toàn và cân bằng – ông Dalio, người đã trở thành tỷ phú nhờ sự nghiệp đầu tư lừng lẫy, phát biểu.
“Bạn có thể giảm rủi ro mà không giảm lợi nhuận. Nhưng bạn sẽ không căn được chính xác thời gian nên mua hay bán tài sản (market-time). Ngay cả khi bạn là người giỏi định thời điểm, những gì đang xảy ra có thể khiến thế giới thay đổi, dẫn tới thay đổi những yếu tố được phản ánh vào giá tài sản”, ông nói.
Biến chủng Omicron của Covid-19, được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi, đã gây bán tháo trên thị trường tài chính toàn cầu trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuần trước và thứ Ba tuần này. Chỉ số Dow Jones của chứng khoán Mỹ sụt hơn 900 trong điểm trong phiên ngày thứ Sáu, phục hồi một phần trong phiên ngày thứ Hai, để rồi giảm tiếp hơn 650 điểm trong phiên ngày thứ Ba.
Thị trường chứng khoán thế giới nói chung và chứng khoán Mỹ nói riêng đã phục hồi nhanh từ đáy sâu vào tháng 3/2020, khi Covid-19 trở thành đại dịch. Sự phục hồi này có được nhờ những gói kích cầu tài khoá và tiền tệ khổng lồ mà các chính phủ và ngân hàng trung ương trên toàn cầu, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) triển khai để cứu nền kinh tến khỏi cú sốc Covid.
Tuy nhiên, theo ông Dalio, cung tiền dư thừa trong hệ thống có thể gây ra những vấn đề nhất định về kinh tế và chính trị.
“Không thể nâng mức sống bằng cách tăng lượng tiền trong hệ thống, vì làm như thế chỉ làm gia tăng lượng tiền cùng theo đuổi một lượng hàng hoá không thay đổi”, ông nói. “Tiền nhiều hơn sẽ tác động tới thị trường tài chính theo cách chúng ta đã thấy và sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ lạm phát. Tăng cung tiền sẽ không nâng mức sống một cách rõ rệt. Khi lạm phát bắt đầu tấn công, thì hệ quả chính trị cũng xuất hiện”.
Số liệu mới đây từ Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 10 tăng mạnh nhất hơn 3 thập kỷ. Số liệu từ châu Âu ngày 30/11 cũng cho thấy lạm phát ở khu vực Eurozone trong tháng 11 cao nhất 24 năm.
Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 30/11, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng trong cuộc họp tháng 12, Fed sẽ bàn đến khả năng đẩy nhanh việc cắt giảm chương trình mua tài sản, và từ bỏ việc dùng từ “tạm thời” để nói về lạm phát.
“Những gì chúng ta đang chứng kiến đã diễn ra nhiều lần trong lịch sử, giống như chúng ta đang xem đi xem lại một bộ phim vậy”, ông Dalio nói.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Dalio thể hiện quan điểm mất niềm tin vào tiền giấy khi lạm phát tăng.
“Một số người phạm sai lầm khi nghĩ rằng mình đang trở nên giàu hơn khi thấy giá tài sản của mình tăng, mà không thấy rằng sức mua của họ đang bị xói mòn”, ông Dalio viết trong một bài đăng trên mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn mới đây. “Những người thiệt hại nhiều nhất là những người giữ tiền mặt”.