Ông Trump có thể làm tăng thâm hụt ngân sách Mỹ nhiều gấp 5 lần so với bà Harris
Trong chiến dịch tranh cử đang vào giai đoạn nước rút, cả ông Trump và bà Harris đều chỉ trích đối phương là “mối đe dọa với nền kinh tế”...
Theo hai nghiên cứu mới của Penn Wharton Budget Model (PWBM), một tổ chức nghiên cứu phi đảng phái tại Mỹ, các chính sách kinh tế do cựu Tổng thống Donald Trump đề xuất có thể khiến ngân sách liên bang Mỹ tăng thêm gần 6 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới, nhiều gấp gần 5 lần so với mức tăng 1,2 nghìn tỷ USD mà chính sách của Phó Tổng thống Kamala Harris có thể gây ra.
Ông Trump, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, và bà Harris, người đại diện cho Đảng Dân chủ, sẽ đối đầu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới.
Trong các chủ trương kinh tế đã được ông Trump trình bày với cử tri, ông muốn gia hạn vĩnh viễn chương trình giảm thuế được chính ông khởi xướng vào năm 2017 khi còn là tổng thống. Riêng kế hoạch này sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách hơn 4 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới. Ngoài ra, kế hoạch miễn thuế với các quyền lợi từ chương trình An sinh Xã hội sẽ khiến thâm hụt ngân sách tăng 1,2 nghìn tỷ USD. Cùng với cam kết giảm thêm thuế thu nhập doanh nghiệp, tổng cộng các đề xuất của ông Trump khiến ngân sách Mỹ thâm hụt thêm 5,8 nghìn tỷ USD.
Trong khi đó, bà Harris đề xuất mở rộng chương trình Tín dụng thuế trẻ em, Tín dụng thuế thu nhập kiếm được (EITC) và các loại thuế khác… góp phần làm tăng thâm hụt ngân sách 2,1 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới. Ngoài ra, đề xuất trợ cấp 25.000 USD cho tất cả người mua nhà lần đầu đủ điều kiện của bà cũng khiến ngân sách liên bang Mỹ thâm hụt thêm 140 tỷ USD trong vòng một thập kỷ.
Mặt khác, ứng viên đảng Dân chủ dự kiến tăng thuế suất thu nhập doanh nghiệp từ mức 21% hiện tại lên 28%. Tiền thu thuế từ kế hoạch này bù đắp cho các đề xuất trên, theo đó tổng mức thâm hụt ngân sách tăng thêm do kế hoạch kinh tế của bà Harris là 1,2 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, phần lớn nguồn thu ngân sách của bà Harris đến từ các đề xuất cần có sự phê duyệt của Quốc hội.
Trong khi đó, ông Trump cho biết nguồn tiền cho chương trình nghị sự của ông sẽ được lấy từ việc tăng thuế quan 10% với tất cả hàng nhập khẩu và 60% với hàng Trung Quốc. Cả hai quyết định tăng thuế này đều không cần Quốc hội phê chuẩn. Theo vị cựu Tổng thống, các chính sách thương mại của ông sẽ tạo ra đủ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn để bù đắp cho những "chi phí" trong ngắn hạn.
Nhận định với hãng tin NBC News, nhà kinh tế Mark Zandi của Moody's Analytics cho biết kế hoạch tăng thuế nhập khẩu của ông Trump có thể mang về cho ngân sách khoảng 2,5 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là chính sách này có thể khiến lạm phát tại Mỹ tăng vọt trở lại. Lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ vừa mới hạ nhiệt gần đây sau thời gian dài ở mức cao kỷ lục hậu đại dịch Covid-19.
Trong chiến dịch tranh cử đang vào giai đoạn nước rút, cả ông Trump và bà Harris đều chỉ trích đối phương là “mối đe dọa với nền kinh tế”, đặc biệt bối cảnh người dân Mỹ đang chật vật với chi phí sinh hoạt cao.
“Chương trình nghị sự kinh tế Project 2025 của ông Donald Trump là một quả bom về lạm phát và thâm hụt ngân sách, khiến cho tầng lớp trung lưu phải nộp thuế nhiều hơn, trong khi giới giàu nộp ít hơn”, người phát ngôn chiến dịch của bà Harris, ông James Singer, nói với hãng tin CNBC.
Người phát ngôn chiến dịch của ông Trump, bà Karoline Leavitt, nhấn mạnh rằng: “Ông Trump là một doanh nhân đã xây dựng một đế chế tuyệt vời trong lịch sử Mỹ và chắc chắn ông ấy không học bài học kinh tế từ một nhà chính trị tự do cấp tiến ở San Francisco”.
Mới chỉ hơn một tháng kể từ khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố ngừng tranh cử, đội ngũ chiến dịch của bà Harris đang làm việc với tốc độ chóng mặt để đưa ra chương trình nghị sự kinh tế. Áp lực này càng lớn bởi kinh tế là một điểm yếu trong chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ lần này, trong bối cảnh nhiều cử tri có xu hướng hoài niệm về nền kinh tế trước đại dịch dưới nhiệm kỳ của ông Trump.