Ông Trump và kế hoạch kinh tế tranh cử "đầy ẩn ý"
Nói kế hoạch của ông Trump chứa đựng những ẩn ý bởi vì Đảng Cộng hoà và bản thân ông ấy quyết định không đưa ra chiến lược mới cho chiến dịch tranh cử năm 2020
Những người dõi theo Tổng thống Donald Trump đã không còn thấy ngạc nhiên khi chứng kiến những điều bất ngờ, khác thường và mâu thuẫn trong các quyết định của ông. Kế hoạch kinh tế "đầy ẩn ý" với mục tiêu tái đắc cử nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Trump không phải là một ngoại lệ.
Sở dĩ nói kế hoạch của ông Trump chứa đựng những ẩn ý bởi vì Đảng Cộng hoà và bản thân ông ấy quyết định không đưa ra chiến lược mới cho chiến dịch tranh cử năm 2020. Thay vào đó, kế hoạch đã giúp ông đắc cử năm 2016 được tiếp tục sử dụng. Thông điệp tranh cử ông Trump gửi đến người dân Mỹ được thể hiện cô đọng: "Tôi đã tạo dựng một nền kinh tế vững mạnh trước đại dịch. Hãy bỏ phiếu cho tôi và tôi sẽ làm lại mọi thứ".
BỐI CẢNH CỤ THỂ CỦA CÁC QUYẾT ĐỊNH
Nền kinh tế Mỹ bắt đầu oằn mình gánh chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 từ tháng 2/2020. Hàng triệu người nhiễm bệnh và phải tự cách ly, hàng ngàn người khác phải nhập viện khiến hệ thống y tế quá tải; và không biết bao nhiêu người đã không thể chiến thắng dịch bệnh (con số tử vong đến nay lên đến 220.000 người).
Trong ba năm trước đó, ông Trump đã liên tục là mục tiêu của phe đối lập trong nỗ lực phế truất ông khỏi chiếc ghế Tổng thống hoặc tìm mọi cách ngáng chân ông trong các hoạt động quản trị quốc gia. Ông đã phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra hình sự, luận tội (ngay trong chính thời gian đại dịch đang hoành hành) và các vụ kiện cáo. Chỉ riêng tiểu bang California đã kiện ông ấy ra toà 100 lần.
Đảng Dân chủ, từ bỏ vai trò là "phe đối lập nhưng vẫn trung thành", không hợp tác trong việc thông qua những pháp lệnh kinh tế quan trọng. Ngoại lệ duy nhất là các thoả thuận thương mại đã được Thượng viện thông qua, đơn giản vì Đảng Cộng hòa nắm giữ đa số và những khoản ngân sách gây ra thâm hụt nặng nề.
Tiếp đó là các cuộc bạo động và biểu tình vì công bằng xã hội đã khiến các đô thị lớn và hoạt động kinh tế ở đó hoàn toàn tê liệt, cộng thêm việc đóng cửa nền kinh tế trong thời gian đại dịch. Tất cả những việc này đã gây ra thiệt hại kinh tế dài hạn lên đến hàng tỷ USD...
NHỮNG THÀNH TỰU KINH TẾ MANG TÊN DONALD TRUMP
Đòn bẩy kinh tế chính của ông Trump là gây dựng được niềm tin và sự hợp tác của doanh nghiệp, người tiêu dùng và doanh nhân. Để làm được như vậy, bản thân ông ấy luôn là người cổ vũ, tin tưởng vào thị trường tự do của Mỹ. Khẩu hiệu chiến dịch năm 2016 "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" đã rất thành công. Và sau khi ông Trump chiến thắng, khẩu hiệu đó được thay đổi thành "Giữ nước Mỹ vĩ đại".
Hiệu quả kinh tế rõ rệt thể hiện ở tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp kỷ lục, mức lương thực tế tăng, giá trị giao dịch bình quân của thị trường chứng khoán đạt mức cao, tỷ lệ nghèo giảm và đảm bảo việc làm cho các nhóm yếu thế. Mặc dù nền kinh tế gặp phải một số vấn đề (như chênh lệch về mức thu nhập), nhưng những kết quả này là sự cải thiện đáng kể so với tình hình khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và mức độ phục hồi kinh tế không đáng kể sau đó.
Ông Trump đã rất thành công trong việc thể hiện sự trân trọng với những thành quả của doanh nghiệp Mỹ, gây sức ép tới các CEO phải tham gia vào các chiến lược kinh tế ông đưa ra và khiến những người phản đối phải tự lấy làm hổ thẹn. Đánh giá chỉ số niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng tăng vọt.
Mặc dù ông Trump bị chỉ trích nặng nề trong công tác quản lý đại dịch nhưng thực tế cho thấy những gì ông ấy đã làm được là tái cấu trúc lại các chuỗi cung ứng thiết bị y tế và dược phẩm, chỉ đạo doanh nghiệp sản xuất số lượng thiết bị y tế lớn hơn, và khởi động việc sản xuất thuốc điều trị và vắc xin mới theo phương thức "toàn chính phủ"/hợp tác công-tư với quy mô và hiệu quả chưa từng có kể từ sau Thế chiến thứ II.
Ông Trump đã đưa ra một chiến lược đa hướng để giúp doanh nghiệp Mỹ phát triển và tăng trưởng mà không cần nhiều sự hợp tác của các nghị sỹ Dân chủ. Ông đã giảm đáng kể thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân (thuế doanh nghiệp giảm từ 35% xuống 21%). Kế hoạch của ông là sẽ tiếp tục giảm sau năm 2025.
Việc cắt giảm thuế đã và sẽ là vấn đề gây tranh cãi. Động thái này giúp tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng gây ra khoản thâm hụt ngân sách kỷ lục (3,1 nghìn tỷ USD) và khoản nợ (27 nghìn tỷ USD hay tỷ lệ nợ/GDP là 137%).
Như thường lệ, hầu như không có động thái nào được đưa ra để cắt giảm chi tiêu kèm với việc giảm thuế. Các khoản nợ lớn, An sinh xã hội (21 nghìn tỷ USD) và Medicare (32 nghìn tỷ USD), không được giảm bớt hoặc cải tổ. Tổng "nợ chưa hoàn trả" của Chính phủ Mỹ là 155 nghìn tỷ USD.
Khoản chi tiêu thâm hụt nhiều nghìn tỷ đô la gần đây của Chính phủ do phải chi vào các gói cứu trợ đại dịch và việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) rót hàng nghìn tỷ (ít nhất cho đến giờ là 10 nghìn tỷ) vào hệ thống tài chính là những động thái chưa từng có tiền lệ và có thể cản trở các kế hoạch kinh tế của ông Trump trong tương lai, chưa kể đến các khoản chi tiêu quốc phòng, giải quyết nghèo đói và xây dựng cơ sở hạ tầng nếu ông tái đắc cử.
CHỦ NGHĨA BẢO HỘ VÀ MẬU DỊCH TỰ DO
Ông Trump đang theo đuổi "chiến lược bảo hộ" để đối phó với Trung Quốc, Ấn Độ và EU, chưa kể đến các nước đã tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông đã áp đặt hoặc đe dọa áp đặt mức thuế quan gây tê liệt kinh tế như một cách để đảm bảo các hoạt động kinh doanh của Mỹ không bị cản trở bởi cạnh tranh.
Theo các nhà phê bình, điều này khiến người tiêu dùng Mỹ thiệt hại vì giá sản phẩm tăng, kìm hãm sự đổi mới và ngăn cản những cải cách cần thiết. Những người khác thì cho rằng thuế quan không giúp giảm nhiều thâm hụt thương mại của Mỹ như dự kiến. Con số này hiện đang ở mức 840 tỷ USD, trong đó riêng nợ Trung Quốc là 302 tỷ USD.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Trump đã chi 32 tỷ USD để bồi thường cho nông dân khi Trung Quốc ngừng mua nông sản của Mỹ. Tuy nhiên, cũng chính ông Trump đã đạt được các thỏa thuận cân bằng hơn với Mexico và Canada, Hàn Quốc, và Nhật Bản. Ngay lập tức, những người chỉ trích cho rằng các thỏa thuận này có vấn đề, nhưng tất cả đều phải thừa nhận là chúng tốt hơn những thỏa thuận trước đó.
LẤY VIỆC LÀM LÀ TÂM ĐIỂM
Ông Trump đã nỗ lực ngăn cản các công đoàn lao động nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ông cũng gây khó dễ cho việc thiết lập công đoàn và thu phí thành viên của người lao động. Tuy nhiên, ông lại chính là người ủng hộ việc tăng mức lương tối thiểu được chi từ nguồn ngân sách liên bang từ 8 USD lên 15 USD/giờ. Điều này có thể trở thành con dao hai lưỡi đối với mục tiêu tạo thêm việc làm của ông.
Một phần khác trong chiến lược của ông Trump là thu hút các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc hồi hương bằng các biện pháp kết hợp một mặt là các ưu đãi và trợ cấp, mặt khác là thuế quan, hạn ngạch và phạt thuế. Có bất đồng đáng kể về việc liệu cách làm này có hiệu quả hay không trong bối cảnh Trung Quốc đang thống trị thương mại, các đồng minh của Mỹ không sẵn lòng hợp tác, chi phí lớn và chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Ông Trump đã đưa ra một kế hoạch để xử lý hệ thống cơ sở hạ tầng đang xập xệ của nước Mỹ. Về giao thông, đó là kế hoạch 1.000 tỷ USD xây dựng đường cao tốc, sân bay và cầu với nguồn ngân sách thu về từ khoản phí người sử dụng thay vì tiền thuế của dân. Về viễn thông, là kế hoạch phát triển mạng 5G.
Các kế hoạch này đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề, không đạt được sự đồng thuận về những bước thực hiện cụ thể và không có khả năng qua khỏi phiên điều trần tại Quốc hội với lý do rất đơn giản: người đề xuất là Donald Trump.
Ngoài các vấn đề về thuế và chi tiêu, các lực lượng liên kết chống Trump, đại dịch và tương lai mơ hồ hậu đại dịch thì điều khả quan nhất để mô tả kế hoạch kinh tế của ông Trump là: bằng cách nào đó, ông ấy đã thành công từ năm 2016 đến năm 2020. Và rất có thể, chính ông ấy chứ không phải ai khác, sẽ một lần nữa thực hiện thành công kế hoạch này, không ai biết chắc được.