Pacific Airlines lỗ gần 2.100 tỷ đồng trong năm 2022
Pacific Airlines là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến số lỗ "khổng lồ" của Vietnam Airlines.
Báo cáo kiểm toán năm tài chính 2022 cho thấy, sau khi trừ chi phí, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế là 11.223 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 13.279 tỷ - giảm lỗ hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2021. Qua đó, nâng tổng lỗ lũy kế của HVN lên là 35.072 tỷ đồng, hồi đầu năm ghi nhận lỗ 21.959 tỷ đồng.
Pacific Airlines là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến số lỗ "khổng lồ" của Vietnam Airlines.
Năm 2022, trên cơ sở chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, Vietnam Airlines đã hoàn thành việc tiếp nhận số cổ phần tại Pacific Airlines do cổ đông Qantas cho tặng, nâng tổng số cổ phần sở hữu của VNA tại Pacific Airlines lên 98,84% vốn điều lệ.
Theo lý giải của ban lãnh đạo HVN, năm 2022, thị trường hàng không nội địa bắt đầu phục hồi mạnh mẽ, tuy nhiên thị trường hàng không quốc tế chưa khôi phục được như kỳ vọng do nhiều thị trường trọng điểm vẫn còn đóng cửa hoặc mở cửa hạn chế. Bên cạnh đó giá nhiên liệu tăng cao, tỷ giá biến động mạnh đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh của Pacific Airlines. Kết quả năm 2022 của Công ty có tổng doanh thu đạt 3.486,7 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lỗ 2.096 tỷ đồng, giảm lỗ 211,9 tỷ đồng so với năm 2021.
Bên cạnh Pacific Airlines, một hãng hàng không khác có liên quan là Cambodia Angkor Air cũng báo lỗ. Cambodia Angkor Air (K6) là hãng hàng không quốc gia của Campuchia được thành lập vào năm 2009 với sự tham gia góp vốn của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Vietnam Airlines và các nhà đầu tư Campuchia. Năm 2022, thị trường hàng không đi/đến Campuchia dần hồi phục, nhu cầu thị trường tăng trên cơ sở các chính sách mở cửa của chính phủ Campuchia và Việt Nam, giúp K6 cải thiện kết quả kinh doanh so với năm 2021.
Tuy nhiên, thị trường nguồn của K6 là Trung Quốc mở cửa chậm hơn so với dự kiến. Bên cạnh đó, do tình hình địa chính trị phức tạp, chi phí nhiên liệu tăng cao, nên các chỉ tiêu sản lượng và hiệu quả đều thấp. Năm 2022, tổng doanh thu K6 đạt 38,8 triệu USD, kết quả năm lỗ 10,26 triệu USD, giảm lỗ 7,4 triệu USD so với năm 2021.
Ngoài hai hãng hàng không trên, còn lại các công ty con, công ty liên kết của Vietnam Airlines đều làm ăn ổn thỏa. Chẳng hạn như tại VAECO, năm 2022, thị trường hàng không bắt đầu phục hồi, các chuyến bay nội địa và quốc tế tăng đáng kể dẫn đến sản lượng và doanh thu thực hiện của VAECO tăng trưởng so với năm 2021, với tổng doanh thu đạt 2.065,5 tỷ đồng, LNTT đạt 106,2 tỷ đồng, ROE đạt 7,5%.
Với Skypec, hoạt động sản xuất kinh doanh của SKYPEC năm 2022 vẫn đạt được những kết quả tích cực với tổng sản lượng đạt 1.253.343 tấn; chỉ tiêu tổng doanh thu đạt 32.940,3 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 281,4 tỷ đồng, ROE đạt 35,2%.
Mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho Vietnam Airlines trong năm 2022 là TCS – một công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ phục vụ hàng hoá cho các chuyến bay quốc tế tại Sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó Vietnam Airlines sở hữu 55% vốn điều lệ.
Đến năm 2022, TCS đã ký hợp đồng với 1 hãng hàng không mới là Myanmar Airway International (8M), nâng tổng số hãng hàng không thường lệ mà TCS đang phục vụ là 26 hãng, và giữ vững thị phần dẫn đầu tại sân bay Tân Sơn Nhất. Trong năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu của TCS đạt 916 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 550 tỷ đồng, ROE đạt 425%.
NCTS cũng là “con gà đẻ trứng vàng” cho Vietnam Airlines. Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực phục vụ hàng hóa chuyên nghiệp, giữ vị trí hàng đầu tại khu vực phía Bắc, trong đó Vietnam Airlines sở hữu 55,13% vốn điều lệ.
Trong năm 2022, NCTS đã ký thêm hợp đồng với 7 hãng hàng không mới khai thác đến sân bay Nội Bài, nâng tổng số hãng hàng không NCTS đang phục vụ là 34 hãng. NCTS đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu và tiết kiệm chi phí để giữ vững hiệu quả hoạt động với chỉ tiêu tổng doanh thu đạt 754 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 297 tỷ đồng, ROE đạt 90,6%.
Tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, kiểm toán lưu ý tại ngày 31/12/2022, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 39.470 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 11.056 tỷ đồng và khoản phải trả quá hạn là 15.396 tỷ đồng.
Từ đó, kiểm toán nhấn mạnh khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê.
"Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty", báo cáo kiểm toán của Deloitte nêu.