Phạt nặng với tội phạm mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế
Tổng cục Thuế vừa đưa ra dấu hiệu nhận diện các hình thức và đối tượng mua, bán hoá đơn không hợp pháp. Hành vi mua, bán trái phép hóa đơn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người phạm tội có thể bị phạt tù lên tới 7 năm, phạt tiền đến 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn...
Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, việc mua bán trái phép hóa đơn diễn ra ngày một nhiều, với mục đích để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm nghĩa vụ thuế, hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi. Đây là hành vi trái pháp luật, không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh.
MA TRẬN MUA, BÁN HOÁ ĐƠN KHỐNG
Nhận diện các hình thức, đối tượng mua bán hoá đơn không hợp pháp, Tổng cục Thuế chỉ rõ một là, đối tượng bán hóa đơn không hợp pháp thông qua thành lập một hoặc chuỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, bằng cách sử dụng giấy chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân của một số người thiếu hiểu biết, hám lợi, bị mất cắp hoặc giả mạo, hoạt động trong một chu kỳ ngắn rồi bỏ trốn, mất tích.
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh này thường có cùng một địa chỉ hoặc văn phòng ảo, kinh doanh nhiều ngành hàng nhưng không có cửa hàng, không có kho hàng, không có phương tiện vận chuyển và thường xuyên thay đổi địa điểm kinh doanh nhưng không thay đổi cơ quan quản lý thuế để tránh việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, cơ quan chức năng.
Hoặc các đối tượng mua lại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động yếu kém, sắp giải thể, phá sản sau đó thay đổi người đại diện pháp luật với mục đích để bán hóa đơn không hợp pháp.
Tổng cục Thuế cũng nhận thấy nhiều đối tượng thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các vùng, miền có sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thuỷ hải sản, nguyên nhiên vật liệu… nhằm hợp pháp hoá nguồn gốc hàng ghi trên các hóa đơn không hợp pháp, tránh nghi ngờ, kiểm soát của cơ quan chức năng.
"Một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực tế có hoá đơn đầu ra ít hơn hoá đơn đầu vào như: bán lẻ, kinh doanh ăn uống, xăng dầu, cơ sở dịch vụ như khách sạn, nhà nghỉ… và có nhu cầu bán hóa đơn khống theo yêu cầu không hợp pháp của khách hàng", Tổng cục Thuế chỉ rõ.
Tổng cục Thuế kêu gọi và mong muốn người dân, người nộp thuế chấp hành tốt chế độ hoá đơn, chứng từ theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời thông tin đến cơ quan thuế và cơ quan chức năng những dấu hiệu mua, bán hoá đơn, chứng từ không hợp pháp để tiến hành rà soát, thanh tra, kiểm tra hoặc điều tra và xử lý nếu có vi phạm.
Hai là, đối tượng mua, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, đây là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn không hợp pháp để kê khai thuế giá trị gia tăng đầu vào, hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước.
Hoặc hợp pháp hoá các khoản chi phí không có hoá đơn, chứng từ, các khoản chi khống làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế khác.
Đối tượng mua hoá đơn khống cũng nhằm mục đích hợp thức hoá các hàng hoá, dịch vụ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hợp pháp hoá hàng nhập lậu, gian lận thương mại; hàng hoá khai thác trái phép… hoặc sử dụng cho mục đích khác.
Ngoài ra, một số đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hợp thức hóa các khoản chi.
Thứ ba, về các hình thức mua bán hóa đơn không hợp pháp, các đối tượng công khai hoặc lập các hội, nhóm kín trên mạng xã hội để thông tin và giao dịch; trực tiếp giao dịch hoặc thông qua những đối tượng trung gian.
CHẾ TÀI XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH
Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi mua, bán trái phép hóa đơn, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chế tài xử phạt hành chính, chế tài hình sự đối với những hành vi này được quy định cụ thể.
Về xử phạt vi phạm hành chính, việc xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn thực hiện theo các quy định liên quan tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021).
Cụ thể, thứ nhất, đối với hành vi cho, bán hóa đơn sẽ bị xử phạt theo Điều 22 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 với mức phạt tiền từ 15 - 45 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy hóa đơn, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
Thứ hai, đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn sẽ bị xử phạt theo Điều 4, Điều 28 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020, với mức phạt tiền từ 20 - 50 triệu đồng (trừ trường hợp hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn làm tăng số tiền thuế phải nộp, tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn bị xử phạt về thuế theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định này). Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.
Thứ ba, đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định sẽ bị xử phạt theo Điều 16 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.
Mức phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được hoàn cao hơn so với quy định.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn quy định và tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước; buộc điều chỉnh lại số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau (nếu có).
Thứ tư, đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm xác định là hành vi trốn thuế nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 200 Bộ luật Hình sự sẽ bị xử phạt theo Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 với mức phạt từ 1 -3 lần số thuế trốn, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
Mức phạt tăng dần theo tình tiết tăng nặng của vụ vi phạm. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước; buộc điều chỉnh lại số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có).
PHẠT TÙ ĐẾN 7 NĂM, ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG VĨNH VIỄN KHI XỬ LÝ HÌNH SỰ
Về xử lý hình sự, Tổng cục Thuế cho biết theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi năm 2017), hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý về tội trốn thuế (Điều 200).
Hành vi mua, bán trái phép hóa đơn đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 203).
"Căn cứ các quy định nêu trên, về cơ bản, các chế tài hành chính và hình sự đối với các hành vi hành vi mua, bán trái phép hóa đơn, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn đã được quy định cụ thể, đầy đủ trong hệ thống pháp luật xử lý vi phạm hành chính và pháp luật về hình sự theo tính chất, mức độ, quy mô của hành vi vi phạm", Tổng cục Thuế đánh giá.
Cụ thể, Tổng cục Thuế cho biết đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp cấu thành tội trốn thuế, đối tượng sẽ bị truy tố, xét xử về tội trốn thuế theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Nếu là cá nhân bị xét xử với 3 khung hình phạt chính có mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 4,5 tỷ đồng hoặc bị phạt tù có thời hạn từ 03 tháng đến 7 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nếu là pháp nhân thương mại sẽ bị xét xử với 4 khung phạt chính là: phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 10 tỷ đồng; hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 - 03 năm.
Bên cạnh đó, đối với hành vi mua, bán trái phép hóa đơn cấu thành tội mua, bán trái phép hóa đơn, đối tượng sẽ bị truy tố, xét xử về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Nếu là cá nhân bị xét xử với 2 khung hình phạt chính có mức phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Nếu là pháp nhân thương mại sẽ bị xét xử với 2 khung phạt chính là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 - 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 - 03 năm.