Phó Thống đốc nói về 4 vấn đề chủ chốt thực hiện ESG trong ngành ngân hàng
Tiêu chuẩn ESG không còn là lựa chọn mà là bắt buộc khi xuất khẩu tiếp tục là trụ cột tăng trưởng. ESG đang "phả hơi nóng" đến mọi ngành và lĩnh vực, ngân hàng cũng không đứng ngoài cuộc chơi này...
Tại Diễn đàn ESG Việt Nam do báo Dân trí tổ chức ngày 22/5, tại Hà Nội, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã có những chia sẻ về mục tiêu, giải pháp cũng như kết quả đạt được khi thực hiện bộ tiêu chuẩn này.
NGÂN HÀNG TRIỂN KHAI 4 NHÓM VẤN ĐỀ
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thực hành ESG và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia hướng tới. Việt Nam đã và đang tích cực tham gia, triển khai nhiều cam kết về khí hậu và môi trường với các quốc gia trên thế giới.
Về vai trò và trách nhiệm quan trọng của ngành ngân hàng trong xanh hóa dòng vốn tín dụng nhằm mục tiêu phát triển bền vững, ông Tú nêu 4 vấn đề chủ chốt.
"Các nước phát triển xây dựng biên giới carbon, rừng, nhựa... và nếu doanh nghiệp Việt Nam không chuẩn bị sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. ESG là bài toán bắt buộc. Châu Âu giờ đã buộc báo cáo phát triển bền vững. Thời gian chúng ta không còn nhiều”.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Thứ nhất, sự gia tăng của các quy định về ESG đòi hỏi các ngân hàng phải tuân thủ và cập nhật liên tục những đổi mới trong quy định, chính sách để ngày càng thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Thứ hai, nâng cao uy tín ngành ngân hàng thông qua việc tích hợp và minh bạch các vấn đề liên quan đến ESG.
Thứ ba, cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro vì rủi ro ESG không đứng độc lập hay tách biệt mà còn liên đới với các rủi ro của các tổ chức tín dụng, gồm cả rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro chiến lược, rủi ro về danh tiếng,...
Thứ tư, khi áp dụng ESG các tổ chức tín dụng có cơ hội mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm tín dụng trong quá trình tiếp nhận các dòng vốn xanh từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã nhận thức từ rất sớm vai trò của mình để chủ động dẫn dắt, thúc đẩy, đầu tư nguồn vốn; đồng thời, tạo dựng khuôn khổ pháp lý đối với các hoạt động của các tổ chức tín dụng nhằm thực hiện lộ trình và chiến lược ESG.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước xây dựng hệ thống pháp lý giúp các tổ chức tín dụng và rộng hơn là các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng, có quan hệ về huy động nguồn lực, sử dụng nguồn lực trong thực hành ESG hay đầu tư xanh.
Ngoài ra, thực hiện các tiêu chuẩn ESG là việc không chỉ riêng ngành ngân hàng quan tâm mà còn là vấn đề chung cần đặt ra với tất cả doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu.
"Khi quốc tế đặt ra những điều kiện hết sức ngặt nghèo, khắt khe trong tiểu chuẩn xanh thì chính các doanh nghiệp cần có chiến lược cũng như đầu tư, đổi mới công nghệ hiện đại để đưa ra những sản phẩm đạt ứng yêu cầu mới có thể cạnh tranh", ông Tú nhấn mạnh.
TÍN DỤNG XANH CHIẾM TỶ TRỌNG 4,5% TỔNG DƯ NỢ
Theo ông Đào Minh Tú, từ năm 2014 đến nay, các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp có sự thay đổi về nhận thức một cách rõ rệt đối với hoạt động bền vững. Nhiều tổ chức tín dụng trên cơ sở quy định của Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ tiếp nhận kỹ thuật tổ chức tài chính quốc tế.
Đây là tiền đề để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội khi cấp tín dụng với khách hàng.
"Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng chiếm 21% tổng dư nợ cho vay".
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Cụ thể, từ năm 2017 – 2023, dư nợ tín dụng qua hệ thống đối với lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân khoảng 22%/năm.
Theo đó, tính đến 31/3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh cho vay tín dụng xanh với dư nợ đạt khoảng gần 630 nghìn tỷ, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn quốc.
Ông Tú cho rằng, kết quả trên cho thấy những triển khai của ngành này trong thời gian qua đã góp phần đẩy nhanh xanh hóa hoạt động ngân hàng, kịp thời đáp ứng những nhu cầu về nguồn vốn thực hiện các dự án thân thiện với môi trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức và thực thi các quy định về bảo vệ môi trường, hướng trách nhiệm xã hội về các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực từ hệ thống ngân hàng.
Vị Phó Thống đốc cũng nêu định hướng, ngành ngân hàng tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy gia tăng nguồn vốn đối với dự án kinh tế xanh. Cùng đó, thúc đẩy truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về thực hành ESG cũng như các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững.