Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Nhà đầu tư trong và ngoài nước là nhân tố không thể thiếu trong quá trình phát triển của Việt Nam"

Tiến Dũng
Chia sẻ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP

Sáng 28/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022 tại tỉnh Bạc Liêu với chủ đề: "Bạc Liêu – Tiềm năng và khát vọng phát triển".

Hội nghị được tổ chức nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bạc Liêu. Từ đó, kêu gọi nguồn lực để đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ - du lịch, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hệ thống dịch vụ hạ tầng logistics...

NĂM LĨNH VỰC HÚT ĐẦU TƯ CỦA BẠC LIÊU

Với khí hậu ôn hòa, đất đai bằng phẳng, rất ít bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, lại có vị trí giáp biển với 3 vùng sinh thái mặn, ngọt, lợ, Bạc Liêu có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhất là trong trong lĩnh vực nông nghiệp, với sản phẩm chủ lực là con tôm với mục tiêu trở thành trung tâm ngành tôm của cả nước.

Bạc Liêu còn là trung tâm năng lượng tái tạo, với 8 nhà máy điện gió đã đi vào hoạt động chính thức, với tổng công suất là 469,2 MW, đứng thứ ba trên cả nước. Với bờ biển dài 56 km, có nắng và gió quanh năm với cường độ khá tốt, rất phù hợp để phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời. Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu đang từng bước xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia.

Bạc Liêu còn có nhiều thế mạnh trong phát triển du lịch với các điểm du lịch nổi tiếng như: Khu nhà Công tử Bạc Liêu, Khu Phật bà Nam Hải, Khu lưu niệm Đờn ca tài tử Cao Văn Lầu, cánh đồng điện gió trên biển...

Trong thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu tập trung thu hút đầu tư vào 5 lĩnh vực trụ cột: Phát triển nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; phát triển công nghiệp, trọng tâm là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí; phát triển du lịch; phát triển thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Định hướng chung của Bạc Liêu là chọn lọc các dự án đầu tư có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, vật liệu mới, thân thiện môi trường và giải quyết nhiều lao động tại địa phương.

Tăng cường xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín, có tiềm lực về tài chính; đồng thời chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và điều kiện của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông liên kết vùng, kết nối với các tỉnh như: Đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu; cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; nâng cấp đường Quản lộ - Phụng Hiệp; đường Nam Sông Hậu; Quốc lộ 1A; đường bộ ven biển phù hợp…

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu trao chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 nhà đầu tư đề xuất thực hiện 13 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 17.000 tỷ đồng - Ảnh: VGP.
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu trao chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 nhà đầu tư đề xuất thực hiện 13 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 17.000 tỷ đồng - Ảnh: VGP.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp đã trao đổi về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bạc Liêu trong thu hút mời gọi đầu tư; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bền vững; đầu tư năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển thương mại bán lẻ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của địa phương đưa sản phẩm vào chuỗi siêu thị; các giải pháp để tăng thu hút đầu tư và tăng giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Bạc Liêu…

KHÓ KHĂN, THÀNH CÔNG CỦA NHÀ ĐẦU TƯ CŨNG LÀ KHÓ KHĂN, THÀNH CÔNG CỦA CHÍNH QUYỀN

Qua việc tổ chức hội nghị, các ý kiến phát biểu, nhất là của những nhà đầu tư nước ngoài, Phó Thủ tướng bày tỏ niềm tin vững chắc tỉnh Bạc Liêu nói riêng, bán đảo Cà Mau và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, sẽ có những bước tiến mạnh mẽ, chắc chắn trong tương lai.

"Các nhà đầu tư nước ngoài đã dành những lời tốt đẹp về con người Việt Nam trong lúc khó khăn, phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đưa ra những lời khuyên, coi Việt Nam giống như quê hương mình. Đấy là minh chứng sống động cho thấy chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung, của tỉnh Bạc Liêu nói riêng coi 'những khó khăn, thành công của các nhà đầu tư cũng là khó khăn, thành công của chính quyền', từ đó, cùng nhau đạt được những mục tiêu tốt đẹp của mình là phát triển kinh doanh, phục vụ phát triển bền vững, giúp người dân có việc làm, thu nhập, bảo vệ được môi trường", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng chia sẻ những ngày đầu tiên tái lập tỉnh, Bạc Liêu vốn còn rất khó khăn về cơ sở, hạ tầng kinh tế xã hội, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, nhưng sau 25 năm đã "thay da, đổi thịt", dù vẫn còn khó khăn, bất cập. Đó là thành quả của sự quyết tâm, nỗ lực, "dám nghĩ, dám làm", quan trọng hơn là tinh thần sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bạc Liêu; sự góp công không thể thiếu của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

"Cách đây hơn 10 năm có một sự kiện ký kết tín dụng giữa một ngân hàng nước ngoài tài trợ cho dự án điện gió đầu tiên ở Việt Nam đặt tại Bạc Liêu. Một doanh nghiệp không có tên tuổi, đi đầu, đón đầu một lĩnh vực chưa từng có ở Việt Nam, nhưng chúng ta nắm được xu thế, tin vào doanh nghiệp, nhà đầu tư và ngày hôm nay, Bạc Liêu đã trở thành trung tâm điện gió của đất nước", Phó Thủ tướng nhớ lại và tin tưởng nếu tỉnh Bạc Liêu, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng nhau nắm chắc xu thế, đánh giá hết khó khăn, chủ động biến thách thức thành cơ hội, thì sẽ thành công.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm một số gian trưng bày sản phẩm tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022 tại tỉnh Bạc Liêu - Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm một số gian trưng bày sản phẩm tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022 tại tỉnh Bạc Liêu - Ảnh: VGP

Trao đổi với các nhà đầu tư, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường thế giới. Do vậy, Việt Nam phải lường trước, sẵn sàng đối phó với các thách thức, khó khăn, biến động từ kinh tế thế giới ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến đời sống người lao động, người dân, bằng cách quan tâm đến những vấn đề có tính bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

"Việt Nam ý thức được yêu cầu bắt buộc của phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, bằng cách đầu tư cho những vùng khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ môi trường; thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về 0; thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ tối ưu hoá toàn bộ quá trình sản xuất nông nghiệp", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh những nhân tố thuận lợi, lợi thế đang có, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ coi tất cả doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, ngoài nước là những nhân tố không thể thiếu trong quá trình phát triển. Thành công của nhà đầu tư là thành công của Chính phủ.

"Nhiệm vụ của Chính phủ là đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cùng các nhà đầu tư. Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi nên có rất nhiều khó khăn, quan trọng là chúng ta cùng nhau tháo gỡ", Phó Thủ tướng nói.

Đối với tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng cho rằng bên cạnh những khó khăn chung, địa phương cần có nghiên cứu, dự báo ngay từ lúc này để biến những thách thức thành động lực.

"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng tình với 5 trụ cột phát triển đã được Bạc Liêu xác định. Bạc Liêu làm được điện gió, trở thành trung tâm ngành tôm, có di sản văn hoá thế giới là Đờn ca tài tử, vậy tại sao không thể trở thành số 1 trong một mảng của thương hiệu du lịch quốc gia. Các đồng chí xác định phát triển mạnh về con người, giáo dục, y tế vậy tại sao lại không thể có một bệnh viện thật hiện đại, thậm chí là trung tâm nghiên cứu y khoa,…", Phó Thủ tướng trăn trở và cho rằng "Bạc Liêu hoàn toàn có thể", với tinh thần "lấy lại 2 năm đã mất vì dịch bệnh Covid-19".

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, bên cạnh những vấn đề lớn, vĩ mô, sẽ sát cánh cùng Bạc Liêu giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh để địa phương có nhiều tiên phong, đột phá tiếp tục phát huy được vai trò trung tâm của vùng bán đảo Cà Mau.

Bạc Liêu tiếp tục nắm sát tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của các nhà đầu tư để cùng nhau tháo gỡ như những người cùng thuyền.

Đối với các nhà đầu tư, Phó Thủ tướng chia sẻ tinh thần "có khó khăn thì cùng nhau tháo gỡ, vướng ở địa phương thì địa phương tháo gỡ, vướng ở Trung ương thì Trung ương tháo gỡ". Đấy là cách tuyên truyền tốt nhất các chính sách về môi trường đầu tư.

Phó Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư đã đến Bạc Liêu sẽ tiếp tục lan toả những điều tốt đẹp tới các nhà đầu tư khác, để Bạc Liêu trở thành "vùng đất lành", góp phần vào sự phát triển của vùng bán đảo Cà Mau, đồng bằng sông Cửu Long cùng với cả nước.

 

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã trao quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 nhà đầu tư đề xuất thực hiện 13 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 17.000 tỷ đồng; đã có 9 nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu, khảo sát để hoàn thiện thủ tục đề xuất 14 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 166.000 tỷ đồng.

Bạc Liêu cũng ưu tiên mời gọi đầu tư 10 dự án trọng điểm có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới: Khu nông nghiệp ứng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; khu công nghiệp Láng Trâm; cụm công công nghiệp Đông Hải; Bến cảng Gành Hào; hạ tầng một số dự án khu đô thị, dân cư, trạm xử lý nước thải sinh hoạt 25.000 m3/ngày đêm…

Lũy kế đến nay, tỉnh Bạc Liêu thu hút được 184 dự án, trong đó: 167 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 53.000 tỷ đồng; 17 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 4,5 tỷ USD.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con