Phó viện trưởng CIEM: Cán bộ làm chính sách là nghèo nhất!
Ai dám đảm bảo rằng những quy định ra đời năm nay sẽ tốt hơn năm trước khi đầu tư cho làm chính sách chưa được coi trọng
Đó là nhận xét của ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại hội thảo điểm lại pháp luật kinh doanh 2018.
Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 15/1 với sự tham dự của nhiều chuyên gia, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp.
Theo báo cáo được trình bày tại hội thảo thì xu thế nổi bật của pháp luật kinh doanh năm 2018 là gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp.
Nhưng, ông Hiếu cho rằng luật pháp không chỉ là tháo gỡ rào cản mà luật pháp phải thúc đẩy sự phát triển, mà mục đích đó lại chưa nhìn thấy ở dòng chảy pháp luật kinh doanh.
Xoá bỏ rào cản là đương nhiên nhưng phải có tư duy thúc đẩy phát triển mới quan trọng, Phó viện trưởng CIEM nhấn mạnh.
Ông Hiếu cũng chia sẻ những băn khoăn trước câu hỏi sắp tới phải làm gì để pháp luật kinh doanh có thể thúc đẩy phát triển.
Tất cả các cuộc cải cách đều xuất phát từ Chính phủ yêu cầu áp đặt xuống, chưa thấy cơ quan nào đệ trình lên là tôi sẽ cải cách mạnh mẽ với phương án cụ thể, và như thế động lực sẽ hết nếu Chính phủ giảm yêu cầu, ông Hiếu nêu thách thức đầu tiên.
Thách thức rất lớn nữa, theo Phó viện trưởng CIEM là cơ chế đảm bảo kiểm soát chất lượng những quy định mới ban hành. Ai dám đảm bảo rằng những quy định ra đời năm nay sẽ tốt hơn năm trước, tôi đã chứng kiến rất nhiều điều kiện kinh doanh đang được bộ này bãi bỏ thì bộ kia lại đưa vào, ông Hiếu nói.
Đề cập những kiến nghị sắp tới về cắt giảm điều kiện kinh doanh, ông Hiếu cho rằng có lẽ cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng có thể bãi bỏ hàng loạt quy định mà không cần tranh cãi.
Ví dụ quy định nhân lực phải được tập huấn bởi cơ quan nhà nước, trong khi họ có thể đến tập huấn ở chỗ tốt hơn, chi phí tốt hơn. Những quy định về cấp chứng chỉ hành nghề, quy định phải có kinh nghiêm làm việc ba - năm năm mới được làm quản lý, yêu cầu về bằng cấp... cũng là những quy định mà theo ông Hiếu cần phải bãi bỏ không cần tranh cãi.
Phải thay đổi cách tiếp cận, chứ chờ sửa luật mất 1 năm thì xã hội không đợi được, ông Hiếu nhấn mạnh.
Bàn đến gốc của vấn đề là làm sao để có cơ chế ban hành văn bản chất lượng tốt, từ ví dụ về Luật Doanh nghiệp ông Hiếu cho rằng nên giao cho cơ quan soạn thảo không gắn với thực thi chính sách.
Vấn đề nữa mà theo Phó viện trưởng CIEM chưa được đề cập đúng mức là đầu tư cho làm chính sách.
Cán bộ nghèo nhất là cán bộ làm chính sách, đầu tư cho năng lực và đầu tư cho bộ máy làm chính sách phải được coi như đầu tư cơ sở hạ tầng cứng khác thì mới nâng cao được chất lượng, ông Hiếu bày tỏ quan điểm.
Lâu nay vẫn nghe nói có lợi ích bộ ngành cài cắm khi làm chính sách, vậy cán bộ làm chính sách nghèo thì ai được hưởng lợi khi có hiện tượng này? ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Bắc Ninh, tham gia thảo luận.
Vẫn theo ông Bắc thì cần có bộ chỉ số để đánh giá chất lượng ban hành chính sách của các bộ ngành và cần có cơ quan độc lập để kiểm soát các quy định về điều kiện kinh doanh.
Tư duy quản lý vẫn đặt ra nhiều quan ngại cũng là vấn đề được Chủ tịch VCCI nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc hội thảo.
Ông Lộc cho rằng, việc chính sách đi sau sự phát triển kinh tế là điều dễ hiểu, tuy nhiên cách hành xử của các cơ quan quản lý như thế nào với những phương thức kinh doanh chưa có cơ chế chính sách quản lý mới là điều quan trọng. Nó có thể là động lực để thúc đẩy, cũng có thể là rào cản đối với các hoạt động kinh doanh (cả cũ lẫn mới) phát triển.
Thực tế, thời gian qua, cách hành xử của các nhà quản lý trong một số lĩnh vực vẫn còn lúng túng, chưa tìm ra hướng đi phù hợp, và có nguy cơ trở thành rào cản cho sự phát triển kinh tế. Đây sẽ trở thành sự thách thức trong kỷ nguyên này, ông Lộc nhấn mạnh.