Phơi thóc trên đường bộ gây mất toàn giao thông bị xử phạt thế nào?
Những ngày này, trên một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Hà Nội (khu vực ngoại thành) việc chiếm dụng lòng, lề đường để phơi rơm rạ, thóc lúa diễn ra khá phổ biến. Hành động này của người dân tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cho những người tham gia giao thông. Hành vi này sẽ bị xử phạt như thế nào là câu hỏi nhiều người quan tâm.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định như sau:
Điều 12. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 5, điểm e khoản 6 Điều này;
b) Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.
Do đó, hành vi trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a khoản 10 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: “buộc phải thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, thiết bị trên đường bộ”.
Ngoài ra, nếu hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ trên đường bộ có dấu hiệu cấu thành tội cản trở giao thông đường bộ thì người dân có liên quan phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định Điều 261 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 73 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.