PVN, EVN, Viettel có phải đối tượng của Luật Đầu tư công?
Có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định để đưa Tập đoàn Dầu khí PVN, Tập đoàn Điện lực EVN, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel vào đối tượng đầu tư công
Giữ nguyên tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, không thay đổi thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục đầu tư công trung hạn, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua sáng 13/6.
Quá trình thảo luận, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A, B, C.
Chính phủ muốn điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ đồng lên 20.000 tỷ đồng và điều chỉnh mức vốn phân loại dự án nhóm A, B, C lên tương ứng gấp 2 lần mức quy định hiện hành.
Song, đa số đại biểu chọn phương án giữ như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia (10.000 tỷ đồng) và tiêu chí phân loại dự án nhóm A, B, C.
Dự thảo luật trình Quốc hội thông qua đã được tiếp thu theo kết quả xin ý kiến.
Nội dung khác, "giằng co" đến tận lúc xin ý kiến là thẩm quyền quyết định danh mục đầu tư công trung hạn.
Phương án 1: Quốc hội quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Phương án 2: Quốc hội chỉ quyết định danh mục các dự án quan trọng quốc gia. Chính phủ quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương.
Do không có phương án nào được trên 50% đại biểu Quốc hội lựa chọn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ cơ bản như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành. Nhưng, có chỉnh lý một số chi tiết để đảm bảo đồng bộ với Luật ngân sách nhà nước.
Cụ thể, về "nội dung báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt" chỉ bổ sung nội dung trình về "định hướng cơ cấu đầu tư theo ngành, lĩnh vực trong trung hạn" và tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương; tổng mức vốn của từng cơ quan, tổ chức được giao kế hoạch vốn đầu tư công tại khoản 2, khoản 4 Điều 49 của dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước về các lĩnh vực chi ngân sách.
Theo đó, hồ sơ trình Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn bao gồm "1. Tình hình triển khai và kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước.
2. Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; mục tiêu, định hướng cơ cấu đầu tư theo ngành, lĩnh vực trong trung hạn. Việc phân loại theo ngành, lĩnh vực được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
3. Khả năng huy động và cân đối các nguồn vốn; dự kiến tổng số vốn đầu tư để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực trong trung hạn, bao gồm vốn thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, hoàn trả các khoản ứng trước, hoàn trả các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư ".
Giải trình các vấn đề khác, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định để đưa Tập đoàn Dầu khí PVN, Tập đoàn Điện lực EVN, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel vào đối tượng đầu tư công và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết về trình tự thực hiện để đảm bảo cơ sở pháp lý và phù hợp thực tiễn.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định tại khoản 4 điều 4 của dự thảo luật, cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công đã bao gồm "cơ quan, tổ chức khác được giao kế hoạch đầu tư công". Nguồn vốn nhà nước để lại cho đầu tư tại một số tập đoàn đã nêu trên, từ năm 2019 được đưa vào thu ngân sách nhà nước, phân bổ và giao dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Theo đó, nếu Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Viễn thông quân đội… được giao kế hoạch đầu tư công thì chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu tư công theo quy định tại khoản 4 điều 4.
Quy định trên đã bảo đảm tính bao quát và chặt chẽ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định.
Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.
Đáng chú ý, quy định chuyển tiếp nêu rõ " Chỉ bố trí vốn kế hoạch đầu tư công để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 31 /12/ 2014".