Quảng Nam có 120 dự án đầu tư xây dựng nhà ở trong năm 2023
Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vừa báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh về tình hình triển khai thực hiện dự án đầu tư, và số liệu về ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án. Trong đó, địa phương thông tin đang có 120 dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn…
Tính đến tháng 2/2023, trên địa bàn thị xã Điện Bàn có 120 dự án đầu tư xây dựng nhà ở (khu dân cư, khu đô thị). Cụ thể gồm: 82 dự án trong đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc; 9 dự án tại khu vực ven biển, từ ranh giới phía Đông của đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc đến biển Đông; 29 dự án nằm tại các khu vực còn lại.
Ngoài ra, đối với các dự án sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp có 55 dự án.
Theo địa phương, hiện nay việc quản lý thực hiện công tác ký quỹ đảm bảo đầu tư các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn thị xã, do sở chuyên ngành tỉnh Quảng Nam thực hiện. Tuy nhiên, Ban quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc bàn giao về thị xã Điện Bàn quản lý từ thời điểm ngày 1/8/2017, nên UBND thị xã đã thực hiện công tác quản lý số tiền ký quỹ của 51 dự án.
Địa phương cũng cho biết, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn thị xã đã triển khai việc ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án, theo đúng quy định. Đến nay, thị xã Điện Bàn hoàn trả toàn bộ tiền ký quỹ cho 1 dự án; hoàn trả 50% tiền ký quỹ cho 12 dự án khác. Số tiền ký quỹ còn lại chưa hoàn trả gần 83,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, với dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp, sau khi rà soát tình hình thực hiện, ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư, trong các cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã Điện Bàn thì: tổng số tiền phải ký quỹ (36 dự án) là gần 37,5 tỷ đồng; tổng số tiền đã thực hiện ký quỹ (34 dự án) là 29,5 tỷ đồng; số tiền đã hoàn trả đến ngày 20/2/2023 là gần 9,2 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến thị xã Điện Bàn, trước đó, tại Báo cáo số 408/BC-UBND của UBND thị xã gửi Đoàn Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, và việc cấp phép, khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn thị xã Điện Bàn từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2021, địa phương cho biết, những năm qua công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng bước đi vào nề nếp, giải quyết kịp thời nhu cầu sử dụng đất trên địa bàn thị xã.
Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, trong đó có nhiều dự án phát sinh nằm ngoài quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, do trước đó chưa dự báo chính xác. Nhất là dự án về lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, dịch vụ thương mại, công trình công cộng kêu gọi đầu tư xã hội hóa, được đưa vào xây dựng sớm so kế hoạch, vì doanh nghiệp thu xếp được nguồn vốn, dẫn đến còn tình trạng đề nghị UBND tỉnh phê duyệt bổ sung kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
Mặt khác, trên địa bàn thị xã Điện Bàn với khoảng hơn 300 dự án triển khai thực hiện nên số lượng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đề nghị thẩm định rất lớn lại cùng một thời gian, dẫn tới việc thực hiện thời gian đảm bảo theo quy định là rất khó. Bên cạnh đó việc thẩm định các dự án kéo dài qua nhiều năm, qua nhiều thời kỳ của Luật, chủ trương của cấp trên, gây lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.
Đặc biệt, giá đất được bồi thường theo giá đất cụ thể (nội dung xác định giá đất cụ thể để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện theo quy định tại các Điều 15, 16 và 18 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014; khoản 4, Điều 3 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ và các Điều 29, 30, 31, 32, 33, 34 và 35 Thông tư số 36/2014/TTBTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Tuy nhiên, việc áp dụng lại còn nhiều bất cập, không tương xứng với giá thị trường đã gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là giải phóng mặt bằng đất ở.