Quảng Ninh: Bốn “bí quyết” tăng trưởng kinh tế
Hiện tỉnh Quảng Ninh đã thành một cực tăng trưởng kinh tế toàn diện khu vực phía Bắc. Một trong những “bí quyết” giúp Quảng Ninh đạt được điều này là tỉnh luôn dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính.
Hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh trong 3 quý đầu năm 2023 ước tăng khoảng 9,94%. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 9,08%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,19; khu vực dịch vụ ước tăng 12,76%.
NĂM 2023, MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ 11%
Quảng Ninh cũng là tỉnh thu hút nguồn vốn đầu tư trong, ngoài nước thời gian qua khá cao. Cụ thể thu hút nguồn vốn FDI đạt khoảng 853,93 triệu USD, đạt 85,4% kế hoạch, còn thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 45.372,6 tỷ đồng, tăng 5,5% so với kế hoạch đề ra.
Tổng chi an sinh xã hội ước đạt 1.037 tỷ đồng, tăng 81% (cùng kỳ là 573 tỷ đồng); số lao động được tạo việc làm tăng thêm ước đạt 19.369 người, bằng 96,85% kế hoạch; gấp 2,04 lần so với cùng kỳ.
Đặc biệt, Quảng Ninh đã hoàn thành cơ bản việc xóa nhà ở tạm, nhà dột nát mới phát sinh. Đây cũng là thành quả cụ thể “Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân” mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ngay từ năm 2022 tỉnh Quảng Ninh đã về đích trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hiện Quảng Ninh đang chuyển sang giai đoạn chuẩn nghèo đa chiều mới và giai đoạn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu hiện đại, văn minh gắn với đô thị hóa hài hòa, bền vững, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống người nông dân, cư dân nông thôn.
Trong quý 4 năm 2023, tỉnh Quảng Ninh dự kiến hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 14,5% và cả năm 2023 đạt trên 11%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh quý IV đạt 13.165 tỷ đồng, cả năm 2023 đạt 54.000 tỷ đồng.
Quảng Ninh đang quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành hệ thống các công trình giao thông lớn như tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục I, tuyến cao tốc Hạ Long - Móng Cái.
Hoàn thành tốt việc này sẽ tạo đột phá về hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra không gian phát triển và tạo ra nguồn lực mới to lớn cho Quảng Ninh.
Để thực hiện mục tiêu trên, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh; làm việc thực chất, trung thực, kết quả thực chất; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, địa phương trong tham mưu, đề xuất, phối hợp xử lý công việc, vượt qua những khó khăn, thách thức.
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH GIÚP QUẢNG NINH TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG
Hiện Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong Vùng Đồng bằng sông Hồng được phê duyệt Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết thành quả của năm 2023 rất quan trọng khi thực hiện các mục tiêu, kế hoạch trong những năm tới của tỉnh và nó có ý nghĩa đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2023).
Các thành quả kể trên cho thấy các chính sách đổi mới, sáng tạo, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu khó khăn, thử thách... với khát vọng vươn lên vì lợi ích nhân dân hướng đi đúng đắn của tỉnh Quảng Ninh.
Nhờ đó Quảng Ninh đã khơi dậy mọi tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực nội sinh cộng với tư duy chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh" nhằm đưa Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc.
Vậy những “bí quyết” nào giúp Quảng Ninh thực hiện tốt các chính sách trên để trở thành một cực tăng trưởng kinh tế toàn diện trong năm 2023? Bàn về điều này, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng trước hết là phải đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Thứ hai, là phải xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.
Thứ ba, nêu cao vai trò người đứng đầu, người dẫn dắt để tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ theo tư duy phát triển đã đề ra.
Thứ tư, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng nhấn mạnh việc Quảng Ninh cần phải tiếp tục giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI. Nên nhớ trong hai năm (2020 và 2022), Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về cả 4 chỉ số CCHC (PCI, PAPI, PAR Index và SIPAS).
Đó là cách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của người dân, của doanh nghiệp là cách nâng cao chất lượng phục vụ người dân của chính quyền. Đó cũng là cách xây dựng, phát triển Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao mọi mặt đời sống nhân dân.