Quảng Ninh với nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước 53.000 tỷ
Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh được Bộ Tài chính giao là 53.062 tỷ đồng, tăng 17% so với dự toán giao năm 2022...
Để hoàn thành và phấn đấu vượt mức chỉ tiêu nêu trên UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch triển khai công tác thu ngân sách nhà nước năm 2023, với một số định hướng khá cụ thể các nguồn thu như khoản thu từ sử dụng đất sẽ đạt khoảng 7.500 tỷ đồng, khoản thu từ thuế, phí nội địa không thấp hơn 34.500 tỷ đồng, khoản thu từ xuất nhập khẩu không thấp hơn 12.000 tỷ đồng…
Trên cơ sở định hướng nêu trên, Quảng Ninh sẽ triển khai thu tiền sử dụng đất tập trung vào các dự án đã có quyết định giá đất cụ thể năm 2022 chuyển tiếp sang năm 2023 (khoảng 2.200 tỷ đồng), thu quỹ đất tái định cư, thu chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã phê duyệt, thu tiền sử dụng đất các dự án thương mại, dịch vụ và dự án đầu tư phát triển sản xuất…
Đối với số thu nội địa (thuế, phí), Quảng Ninh tập trung quan tâm đến các lĩnh vực có tỷ trọng (%) đóng góp lớn cho ngân sách, trong đó thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh than, hằng năm có đóng góp trên 45,5% số thu thuế, phí nội địa của Quảng Ninh; Thu từ hoạt động sản xuất, phân phối nhiệt điện, có đóng góp trên 5,7%; Thu từ hoạt động kinh doanh, tiêu thụ nhiên liệu xăng, dầu có đóng góp trên 6,2% và thu từ hoạt động của các dự án FDI có đóng góp hơn 5,2% thu thuế, phí nội địa.
Đối với khoản thu từ xuất, nhập khẩu Quảng Ninh tập trung vào đối tượng hàng hóa là nhiên liệu xăng, dầu chiếm khoảng 25% tổng thu xuất, nhập khẩu; thu hàng hóa xuất, nhập qua cửa khẩu cảng biển, chiếm khoảng 58% tổng thu; tận dụng tối đa cơ hội Trung Quốc mở cửa thông thương để gia tăng số thu qua cửa khẩu đường bộ, chiếm 17% tổng thu xuất nhập khẩu.
Cùng với đó, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác thành lập mới doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp tỉnh ngoài đến đăng ký hoạt động, hoàn thành chỉ tiêu thành lập mới 2.000 doanh nghiệp trong năm 2023.
Đồng thời, các Sở, ngành, trên địa bàn tỉnh cần nghiên cứu và có giải pháp hỗ trợ để giảm thiểu số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu thường xuyên qua cửa khẩu biên giới đất liền, cảng biển tỉnh Quảng Ninh.
Trong quá trình tổ chức thực hiện thu ngân sách, UBND Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương phấn đấu tăng thu từ 7 - 9% so với số thực hiện năm 2022.
Cục Thuế xây dựng kế hoạch, hoàn thành dự toán cả về số thu tiền sử dụng đất và thuế, phí. Tăng cường công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động vận tải, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, bất động sản, thương mại điện tử, khai thác khoáng sản, kinh doanh xăng, dầu.
Cục Hải quan bám sát kế hoạch xuất, nhập khẩu, tích cực thu hút nhóm doanh nghiệp mới về làm thủ tục và nộp thuế trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài chính theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, thực hiện tốt chức năng là cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định giá đất, mục tiêu đến 30/9/2023 phải cơ bản thu xong 7.500 tỷ đồng tiền sử dụng đất.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu Kế hoạch thực hiện chủ đề công tác năm 2023 “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” phấn đấu thu hút vốn FDI ít nhất 01 tỷ USD.
Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh triển khai đồng bộ các giải pháp kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác thu ngân sách nhà nước, kiểm soát đầy đủ các đối tượng nộp thuế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.