Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đang thu - chi thế nào?
Từ năm 2010 đến hết năm 2020, số thu luôn vượt số chi. Riêng năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, số chi bảo hiểm thất nghiệp cao hơn số thu rất nhiều. Đến hết năm 2023, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp còn kết dư gần 60 nghìn tỷ đồng...
Theo báo cáo tổng kết Luật Việc làm 2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, kể từ khi thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2009 đến nay, công tác thu, chi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được triển khai thực hiện theo đúng quy định.
QUỸ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP KẾT DƯ GẦN 60 NGHÌN TỶ ĐỒNG
Kết dư quỹ đảm bảo cân đối tài chính, bảo đảm việc chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Về thu bảo hiểm thất nghiệp, từ năm 2009 đến nay, số thu tăng dần qua các năm. Giai đoạn 2015 - 2023, số tiền thu bảo hiểm thất nghiệp tăng bình quân 9%/năm.
Cụ thể, năm 2009 là 3.510 tỷ đồng; năm 2010 là 5.148 tỷ đồng; năm 2011 là 6.656 tỷ đồng; năm 2012 là 8.676 tỷ đồng; năm 2013 là 10.435 tỷ đồng; năm 2014 là 11.996 tỷ đồng; năm 2015 là 9.940 tỷ đồng; năm 2016 là 11.728 tỷ đồng.
Năm 2017 là 13.517 tỷ đồng; năm 2018 là 15.562 tỷ đồng; năm 2019 là 17.405 tỷ đồng; năm 2020 là 18.056 tỷ đồng; năm 2021 là 17.000 tỷ đồng; năm 2022 là 14.505 tỷ đồng (giảm do thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15), và năm 2023 là 23.003 tỷ đồng.
Cùng với đó, số người được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng, dẫn đến tổng tiền chi cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng. Riêng năm 2021, do thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 nên số chi bảo hiểm thất nghiệp tăng vọt (năm 2021 là 47.807 tỷ đồng).
Theo đó, năm 2010 là 457 tỷ đồng; năm 2011 là 1.121 tỷ đồng; năm 2012 là 2.643 tỷ đồng; năm 2013 là 3.911 tỷ đồng; năm 2014 là 4.819 tỷ đồng; năm 2015 là 4.882 tỷ đồng; năm 2016 là 5.171 tỷ đồng.
Năm 2017 là 7.831 tỷ đồng; năm 2018 là 7.566 tỷ đồng; năm 2019 là 12.176 tỷ đồng; năm 2020 là 16.157 tỷ đồng; năm 2021 là 47.807 tỷ đồng; năm 2022 là 18.088 tỷ đồng, và năm 2023 là 22.637 tỷ đồng.
Từ năm 2010 đến hết năm 2020, số thu luôn vượt số chi, hết năm 2020, kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp gần 90 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, số chi bảo hiểm thất nghiệp cao hơn số thu rất nhiều.
Đến các năm 2022 và 2023, số thu - chi đã tiệm cận nhau. Tính đến hết năm 2023, số tiền kết dư quỹ còn khoảng 59.357 tỷ đồng.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá nhìn chung, quy định về mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là phù hợp, đảm bảo kết dư quỹ, là cơ sở để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vừa qua.
Các nội dung chi từ quỹ đã tạo thuận lợi cho việc tổ chức triển khai thực hiện và chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, nhất là trợ cấp thất nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn tình trạng người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp, dẫn đến việc hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp sai quy định (chiếm 3,2% tổng số trường hợp phải thu hồi).
Đồng thời, một số người lao động chưa tuân thủ các quy định pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp. Đơn cử như có việc làm trong thời gian chờ hưởng trợ cấp thất nghiệp, hoặc trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng không thông báo theo quy định dẫn đến phải thu hồi (chiếm 90% tổng số trường hợp phải thu hồi).
MỞ RỘNG DIỆN THAM GIA BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
Từ những vấn đề đặt ra, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đề xuất bổ sung các quy định về sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đối với các chế độ mới.
Về đối tượng, định hướng sửa đổi, bổ sung theo hướng tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên, thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Bổ sung đối tượng người có giao kết hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên, nhưng làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng, hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, bổ sung đối tượng về người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng lương, và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài ra, bổ sung quy định về việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với các đối tượng khác có thu nhập ổn định, thường xuyên, do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội từng thời kỳ.
Luật sửa đổi cũng dự kiến bổ sung một số trường hợp được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Bổ sung quy định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, người sử dụng lao động và mức hỗ trợ của Nhà nước tối đa bằng 1% tiền lương tháng.
Về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp, dự kiến quy định tối đa bằng 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng tại thời điểm đóng.
Chia sẻ về định hướng sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp khi sửa Luật Việc làm lần này, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết mục tiêu của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động nhanh nhất. Quỹ này sẽ như một giá đỡ quản trị cho thị trường lao động. Đây là nguyên tắc hàng đầu.
“Nếu hoạt động của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp mà không giúp người lao động quay trở lại thị trường, người lao động cứ ngồi nhà chờ lĩnh trợ cấp thì coi như quỹ thất bại. Mục tiêu của quỹ là cung cầu được kết nối”, ông Bình nhấn mạnh.
Chính vì thế, lần sửa đổi này, quỹ tiếp tục kế thừa quy định hiện hành, song thiết kế linh hoạt các chế độ hơn. Có chế độ để giúp người lao động đảm bảo đời sống, an sinh xã hội trong thời gian thất nghiệp. Cùng với đó, về chế độ đào tạo, luật dự kiến mở rộng phạm vi hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và người lao động với nhiều chiến lược bài bản hơn.
“Chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ được thiết kế để đảm bảo phù hợp hơn với người lao động”, lãnh đạo Cục Việc làm cho hay.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, qua thời gian thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã giúp người lao động duy trì được cuộc sống khi bị mất việc làm; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho người lao động, và giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Đến nay, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm, bình quân hằng năm tăng 6,08%. Tỷ lệ số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp so với lực lượng lao động trong độ tuổi tăng theo từng năm, đến năm 2023 tỷ lệ này là 31,6%, vượt so với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (đến năm 2021, khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp).