Quy định mới về thang, bảng lương và phụ cấp đối với lao động doanh nghiệp Nhà nước
Khi sửa đổi, bổ sung, hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Đồng thời, cần được công khai trước khi thực hiện...
Đây là quy định mới được nêu tại Thông tư số 06/2024 vừa ban hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có hiệu lực từ ngày 15/9/2024.
Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016 hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, và Thông tư số 27/2016 hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo đó, thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với người lao động trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp Nhà nước) được quy định tại Thông tư số 26/2016 được sửa đổi như sau:
Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty rà soát và quyết định việc tiếp tục duy trì hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương (kèm theo tiêu chuẩn áp dụng), làm cơ sở để xếp lương, trả lương, và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định. Tuy nhiên, việc này cần bảo đảm quỹ tiền lương xác định trên cơ sở tổng tiền lương trong năm của tất cả người lao động, tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương của công ty, không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động.
Khi sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Đồng thời, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động, và các văn bản hướng dẫn thi hành. Báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến, và công khai tại công ty trước khi thực hiện.
Đối với công ty lỗ hoặc không có lợi nhuận (sau khi đã loại trừ các yếu tố khách quan nếu có), thì mức tiền lương bình quân kế hoạch, được tính bằng mức tiền lương bình quân trong hợp đồng lao động.
Mức tiền lương bình quân trong hợp đồng lao động, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, và khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động, được quy định tại Thông tư số 10/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể, và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con.
Các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất lao động, và lợi nhuận của công ty để loại trừ khi xác định tiền lương của người lao động, được quy định tại các Nghị định số 51/2016/NĐ-CP, và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, Thông tư số 06/2024 cũng sửa đổi một số quy định về xây dựng bảng lương, xếp lương, nâng bậc lương đối với người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước tại Thông tư số 27/2016.
Theo đó, về xây dựng bảng lương, căn cứ vào tổ chức bộ máy quản lý của công ty, Hội đồng thành viên, hoặc Chủ tịch công ty xây dựng, ban hành bảng lương (kèm theo tiêu chuẩn áp dụng), làm căn cứ để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, và các chế độ khác đối với người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách theo quy định của pháp luật lao động.
Các mức lương trong bảng lương của người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách, do Hội đồng thành viên, hoặc Chủ tịch công ty quyết định.
Song cần bảo đảm quỹ tiền lương xác định trên cơ sở tổng tiền lương trong năm của tất cả người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách tính theo các mức lương trong bảng lương, không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách.
Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung bảng lương của người quản lý, Kiểm soát viên, Hội đồng thành viên, hoặc Chủ tịch công ty, phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Cùng với đó, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động, và các văn bản hướng dẫn thi hành, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận, và công bố công khai tại công ty trước khi thực hiện.