Quy hoạch tỉnh thứ 9 được phê duyệt có gì đột phá?
Với 4 trụ cột phát triển kinh tế, 2 trung tâm động lực tăng trưởng, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế địa phương…
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và Xúc tiến đầu tư năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Quảng Bình.
Theo Quyết định số 377/QĐ-TTg, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động ở khu vực miền Trung, với trọng tâm là ngành dịch vụ và du lịch nổi bật; công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững.
Trong đó, Quy hoạch tỉnh Quảng Bình đã xác định 4 trụ cột phát triển kinh tế, 2 trung tâm động lực tăng trưởng, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế là cơ sở quan trọng tạo bước đột phá cho kinh tế Quảng Bình trong giai đoạn tới.
Cụ thể, 4 trụ cột trong phát triển kinh tế của Quảng Bình là du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển.
Trong khi đó, 2 trung tâm động lực tăng trưởng cho Quảng Bình là Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á và Khu kinh tế Hòn La, với mục tiêu trở thành khu kinh tế động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế.
Còn 3 trung tâm đô thị là Trung tâm đô thị TP. Đồng Hới và vùng phụ cận, lấy Đồng Hới làm hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối, gồm Quán Hàu, Hoàn Lão, Việt Trung, Dinh Mười.
Trung tâm đô thị phía Bắc với hạt nhân là thị xã Ba Đồn gắn với trung tâm huyện lỵ Quảng Trạch, các khu kinh tế Hòn La, Tiến Hóa.
Và Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là đô thị Kiến Giang, đô thị vệ tinh gồm Lệ Ninh và Áng Sơn.
Yếu tố quan trọng cuối cùng trong “công thức đột phá” của Quảng Bình chính là 3 hành lang kinh tế, bao gồm Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với Quốc lộ 1A, đường ven biển; Hành lang kinh tế Đông - Tây dọc Quốc lộ 12 nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo - thị xã Ba Đồn - cảng biển Hòn La; và Hành lang kinh tế trung du và miền núi, gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Là địa phương thứ 9/10 địa phương của cả nước được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, theo ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quảng Bình đã cho thấy tư duy mới, quan điểm mới, tầm nhìn mới, phương án phát triển mới trong thu hút đầu tư để từ đó tạo ra cơ hội mới, giá trị mới cho Quảng Bình trong phát triển kinh tế địa phương.
“Với việc đưa ra định hướng rõ ràng về con đường phát triển của tỉnh trong 10 năm tới cùng những cam kết mạnh mẽ của chính quyền Quảng Bình trong cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, một làn sóng đầu tư mới sẽ “đổ” vào Quảng Bình”, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch nhấn mạnh.