Rào cản về ngoại ngữ là nguyên nhân khiến lao động Việt Nam khó sang Đức làm việc

Phúc Minh
Chia sẻ

Mặc dù Cộng hòa Liên bang Đức có nhu cầu lớn tiếp nhận lao động nước ngoài, song hiện lao động Việt Nam sang làm việc tại thị trường này còn hạn chế, nguyên nhân chính là gặp rào cản về ngoại ngữ...

Cơ hội đi làm việc tại Đức của người lao động rất rộng mở nếu tháo gỡ được vấn đề ngoại ngữ. Ảnh minh họa.
Cơ hội đi làm việc tại Đức của người lao động rất rộng mở nếu tháo gỡ được vấn đề ngoại ngữ. Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong ngày 28/10, lãnh đạo Bộ này vừa có các cuộc làm việc với đại diện các cơ quan chức năng của Cộng hòa Liên bang Đức, để trao đổi về tình hình hợp tác đưa lao động Việt Nam sang Đức làm việc.

CƠ HỘI MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG CÒN RẤT LỚN

Tại cuộc làm việc với ông Christoph Hoffman, Nghị sỹ Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, thông tin trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa trên 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Hiện nay có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau. Tại khu vực châu Âu nói chung, Cộng hòa Liên bang Đức nói riêng, mặc dù có nhu cầu lớn tiếp nhận lao động nước ngoài, song hiện nay lao động Việt Nam sang làm việc tại khu vực này còn hạn chế.

Theo Thứ trưởng, Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, phần lớn người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Đức đã được đào tạo kỹ năng nghề và Đức đã thông qua dự luật nhập cư mới. Đây là cơ hội tốt cho việc hợp tác lao động giữa hai nước. Tuy nhiên, hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Đức gặp một số vướng mắc, trong đó có vướng mắc về ngoại ngữ.

Theo quy định của Đức, người lao động Việt Nam phải đạt trình độ B2 tiếng Đức mới được đi làm việc tại nước này. Với quy định đó, người lao động Việt Nam phải tham gia khóa học tiếng Đức từ 12 tháng đến 18 tháng mới đạt trình độ này.

Do đó, Thứ trưởng đề nghị đối với công việc liên quan đến ngành y tế (điều dưỡng viên), thì người lao động phải có trình độ B1 tiếng Đức trở lên. Đối với công việc còn lại thì người lao động phải có trình độ A1 tiếng Đức trở lên. Người lao động sau khi nhập cảnh vào Đức làm việc phải tiếp tục học tập tiếng Đức để đáp ứng yêu cầu công việc.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc với ông Christoph Hoffman, Nghị sỹ Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức. Ảnh: MOLISA.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc với ông Christoph Hoffman, Nghị sỹ Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức. Ảnh: MOLISA.

Ông Christoph Hoffman, Nghị sỹ Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức, cho biết về thị trường lao động, nước này đã và đang phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số. Theo thống kê, từ nay đến năm 2030, Đức dự kiến thiếu hơn 5 triệu người lao động.

Vì vậy, nước này đang có những chính sách mở, tạo cơ hội cho nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam đến Đức làm việc và định cư.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng không phải ai cũng nói được tiếng Đức, bởi tiếng Đức không phải là một ngôn ngữ dễ học, hầu hết mọi người đều gặp không ít thử thách từ thứ tiếng này. Điều này cũng là cản trở đối với người lao động.

TĂNG CƯỜNG CÁC KHÓA ĐÀO TẠO, TRANG BỊ KIẾN THỨC CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Phản hồi đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tiêu chuẩn đạt trình độ tiếng Đức, ông Christoph Hoffman cho rằng nếu học viên chỉ đạt trình độ A1, A2 sẽ không đảm bảo chất lượng cho việc học tập và làm việc tại Đức.

Ông cho biết theo số liệu thống kê, có đến 50% các học viên, người lao động trượt kỳ thi tiếng Đức. Hiện nước này đang cân nhắc mô hình mới về đào tạo tiếng Đức. Phía Đức có thể cử giáo viên đã về hưu sang Việt Nam đào tạo học viên, người lao động về tiếng Đức với tinh thần hỗ trợ, thiện nguyện là chính. Sau thời gian học tiếng, người lao động sẽ tham dự kỳ thi lấy chứng chỉ.

Ông Christoph Hoffman cũng đề xuất một kỳ thi tiếng đánh giá đầu vào trước khi người lao động tham gia khóa đào tạo tiếng Đức để xem họ có khả năng học ngoại ngữ không và có sẵn sàng, sự nỗ lực, quyết tâm để học tập, làm việc tại Đức.

Liên quan đến vấn đề thúc đẩy đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Đức, cũng trong ngày 28/10, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đã có cuộc làm việc với bà Barbel Kogler, Quốc Vụ Khanh Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức.

Cuộc làm việc với bà Barbel Kogler, Quốc Vụ Khanh Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức. Ảnh: MOLISA.
Cuộc làm việc với bà Barbel Kogler, Quốc Vụ Khanh Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức. Ảnh: MOLISA.

Tại cuộc làm việc này, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đánh giá trong những năm qua, hợp tác về lao động giữa hai nước đạt những kết quả tích cực, trong đó có hợp tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi học tập, làm việc trong ngành điều dưỡng chăm sóc người già, người bệnh và điều dưỡng đa khoa.

Từ năm 2012 đến nay, có khoảng 1.700 lao động Việt Nam xuất cảnh đi học tập, làm việc tại Đức. Người lao động có việc làm ổn định với mức thu nhập cao và được hưởng các chế độ phúc lợi như công dân Đức.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đức đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhất là trong vấn đề ngoại ngữ, bởi tiếng Đức không phải là một ngôn ngữ dễ học. Do đó, Thứ trưởng đề nghị phía Đức quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo tiếng Đức cho người lao động trước khi xuất cảnh.

Phản hồi về vấn đề này, bà Barbel Kogler đề nghị ngoài các khóa đào tạo tiếng Đức, cần tăng cường mở các khóa trang bị kiến thức cho người lao động đi làm việc tại Đức, giúp người lao động dễ dàng hòa nhập với cuộc sống của nước sở tại.

Cùng với đó, hai nước tiếp tục thúc đẩy trong hợp tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi học tập, làm việc trong ngành điều dưỡng chăm sóc người già.

Theo bà Barbel Kogler, Việt Nam tuy đang trong thời kỳ dân số vàng, nhưng tương lai, Việt Nam cũng sẽ là nước có dân số già, cần lao động trong lĩnh vực điều dưỡng để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Vì vậy, cần thúc đẩy duy trì hợp tác lâu dài giữa hai nước về lĩnh vực điều dưỡng viên, vừa giúp Đức đáp ứng nguồn nhân lực đang thiếu, cũng là sự chuẩn bị cho tương lai của Việt Nam.

Liên quan đến trang bị kiến thức cho người lao động trước khi xuất cảnh, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan thông tin nội dung này đã được Việt Nam quy định bằng văn bản.

Theo đó, đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động trước khi xuất cảnh, là yêu cầu bắt buộc đối đối với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con