Rủi ro giảm phát vẫn “ám” Trung Quốc
Một nguyên nhân quan trọng khiến kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm chạp sau đại dịch Covid-19 là tiêu dùng ảm đạm do người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng”...
Giá tiêu dùng ở Trung Quốc trong tháng 6 vừa qua tăng tháng thứ 5 liên tiếp, nhưng mức tăng yếu và không đạt kỳ vọng, trong khi giá nhà sản xuất tiếp tục giảm. Những số liệu thống kê mới nhất này cho thấy nhu cầu trong nền kinh tế Trung Quốc còn yếu, dù Chính phủ nước này đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ.
Một nguyên nhân quan trọng khiến kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm chạp sau đại dịch Covid-19 là tiêu dùng ảm đạm do người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng”. Tâm lý ngại chi tiêu xuất phát từ những vấn đề nền tảng của nền kinh tế, gồm cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Trong bối cảnh như vậy, giới chuyên gia kinh tế kêu gọi Bắc Kinh đưa ra những chính sách kích cầu hiệu quả hơn.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc ngày 10/7 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức tăng 0,3% ghi nhận trong tháng 5 và là mức tăng thấp nhất trong 3 tháng trở lại đây. Mức tăng này cũng thấp hơn mức dự báo tăng 0,4% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
CPI lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, tăng 0,6% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, không thay đổi so với mức tăng của tháng 5.
“Rủi ro giảm phát ở Trung Quốc vẫn còn đó. Nhu cầu trong nước vẫn còn yếu”, nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của công ty Pinpoint Asset Management nhận xét với Reuters.
Giá thực phẩm ở Trung Quốc giảm trong tháng 6, cho dù xảy ra sự gián đoạn nguồn cung do thời tiết xấu trong mùa hè. Điều này phản ánh nhu cầu thực phẩm yếu. So với cùng kỳ năm ngoái, giá thực phẩm giảm 2,1%, so với mức giảm 2% ghi nhận trong tháng 5.
Đáng chú ý, giá rau tươi giảm 7,3% sau khi tăng 2,3% trong tháng 5. Giá trái cây tươi giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi giảm 6,7% trong tháng 5.
Nếu so với tháng trước, CPI tháng 6 giảm 0,2%, sau khi giảm 0,1% trong tháng 5, và mạnh hơn mức dự báo giảm 0,1%.
Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 6 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, ít hơn mức giảm 1,4% ghi nhận trong tháng 5 và bằng với mức dự báo mà các nhà kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát của Reuters. Mức giảm tháng 6 của PPI là nhỏ nhất trong 17 tháng, chủ yếu do cơ sở so sánh thấp của năm ngoái.
“Việc giá hàng hóa tiêu dùng lâu bền giảm kéo dài tại cổng nhà máy cho thấy năng lực sản xuất dư thừa tiếp tục là một vấn đề đáng lo ngại”, nhà kinh tế Gabriel Ng của công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định. “Chính sách của Chính phủ Trung Quốc vẫn ưu tiên đầu tư, có thể khiến vấn đề này càng trầm trọng hơn. Điều này sẽ tiếp tục gây áp lực giảm lạm phát”.
Ông Nga dự báo chỉ số CPI của Trung Quốc chỉ tăng 0,5% trong cả năm nay, thấp hơn mục tiêu lạm phát chính thức là 3% cho năm 2024.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc và tỷ giá đồng nhân dân tệ cùng giảm trong phiên ngày 10/7 sau khi báo cáo lạm phát được công bố. Trong đó, tỷ giá nhân dân tệ so với USD giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng.
Để thu hút khách hàng giữa lúc triển vọng kinh tế ảm đạm, các nhà bán lẻ ở Trung Quốc đã ra sức giảm giá các mặt hàng từ ô tô cho tới cà phê. Giá bán lẻ xăng ở nước này giảm 6% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, so với mức giảm 5,2% của tháng 5. Giá ô tô chạy bằng năng lượng mới giảm 7,4% trong tháng 6, sau khi giảm 6,9% trong tháng 5.
Trong cập nhật mới, Goldman Sachs dự báo PPI của Trung Quốc sẽ giảm 1,6% trong năm nay, thay vì giảm 1,1% như trong dự báo trước đó. Ngân hàng Mỹ này giữ nguyên dự báo CPI của Trung Quốc tăng 0,4% trong năm nay, thấp hơn so với mức đồng thuận của thị trường.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn đang kêu gọi người dân “mạnh dạn chi tiêu”, nhưng chỉ nhật được sự hưởng ứng mờ nhạt. Việc các hộ gia đình và người dân hạn chế vay mượn đồng nghĩa Bắc Kinh cần có thêm các biện pháp kích cầu mạnh tay hơn, thay vì các biện pháp nhỏ giọt như đổi xe cũ lấy xe mới, đổi đồ gia dụng cũ lấy hàng mới…
Tại kỳ họp trung ương 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến khai mạc vào tuần tới, nước này có thể công bố thay đổi quan trọng về thuế tiêu dùng. Thay đổi này có thể mở đường cho các địa phương dịch chuyển từ trọng tâm phát triển sản xuất sang phát triển tiêu dùng.
“Dữ liệu lạm phát và tín dụng yếu cho thấy sự cần thiết Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tăng cường nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng sắp tới”, nhà kinh tế trưởng Lynn Song của ngân hàng ING nhận định.