Rủi ro mới sau ngành công nghệ bùng nổ của Đài Loan
Các nhà nghiên cứu khuyến nghị cần có thêm nhiều ưu đãi và đầu tư để nền kinh tế Đài Loan giải quyết những thách thức mang tính hệ thống…

Đài Loan (Trung Quốc) đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng về nguồn nước – yếu tố sống còn đối với ngành công nghệ mũi nhọn của nền kinh tế này – khi mở rộng sản xuất công nghiệp và đối mặt với biến đổi khí hậu, Nikkei Asia đưa tin.
Hoạt động sản xuất chip bán dẫn tiên tiến tại Đài Loan mỗi ngày tiêu thụ lượng nước tương đương với một thành phố cỡ trung bình, và nhu cầu này dự kiến sẽ còn tăng mạnh khi các nhà máy tiếp tục mở rộng. Phần lớn nhu cầu là nước tinh khiết chất lượng cao, gây áp lực lớn lên nguồn tài nguyên và đòi hỏi các giải pháp xử lý tiên tiến.
Đài Loan cần có chiến lược dài hạn hơn để giải quyết vấn đề này, theo báo cáo được Viện Nghiên cứu Dân chủ, xã hội và công nghệ mới nổi (DSET) cùng Quỹ Quyền môi trường (ERF) công bố ngày 20/2. "Tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện nhanh chóng đang tạo thêm một thách thức mang tính hệ thống", báo cáo nhấn mạnh.
Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh những người đứng đầu tại Đài Loan và các tập đoàn lớn đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu điện và nước ngày càng tăng thông qua các dự án chuyển đổi năng lượng, nâng cấp lưới điện, phát triển công nghệ xử lý nước tiên tiến và hệ thống đường ống kết nối liên vùng.
Cách Đài Loan đối mặt với những thách thức này ra sao sẽ tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Tuy nhiên, những người đang cầm quyền tại nền kinh tế này lại vấp phải trở ngại từ chính trị ảnh hưởng đến ngân sách, từ đó ảnh hưởng tới các giải pháp ứng phó.
Những nguy cơ đe dọa tương lai của Đài Loan đến từ sự phụ thuộc vào nguồn nước dễ bị tổn thương trước những hạn hán kéo dài; tốc độ xây dựng các nhà máy tái chế nước không theo kịp với tốc độ mở rộng của các nhà máy sản xuất chip.
Cùng với đó, rủi ro còn đến từ việc phụ thuộc vào nỗ lực của chính quyền địa phương để tăng tỷ lệ kết nối hệ thống nước thải và sự phản đối từ xã hội đối với các giải pháp giải quyết tắc nghẽn lưới điện.
Nền kinh tế này đang đứng giữa thời điểm quan trọng của quá trình loại bỏ dần năng lượng hạt nhân – một xu hướng xuất phát từ lo ngại của công chúng về sự an toàn sau thảm họa Fukushima tại Nhật Bản và mong muốn cắt đứt ảnh hưởng từ chế độ quân sự cũ. Lò phản ứng cuối cùng tại Đài Loan dự kiến sẽ dừng hoạt động vào tháng Năm tới.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển năng lượng tái tạo không theo kịp với đà tăng trưởng nhanh chóng của ngành sản xuất chip, khiến áp lực lên nguồn cung điện ngày càng lớn.
"Ước tính của chúng tôi cho thấy nhu cầu ngắn hạn đối với các quy trình sản xuất chip tiên tiến – dự kiến đi vào sản xuất hàng loạt từ năm 2025 – vẫn có thể kiểm soát được trong 10 năm tới", báo cáo nhận định. Tuy nhiên, "việc đảm bảo phân phối điện liên vùng ổn định và hệ thống truyền tải siêu cao áp đáng tin cậy là điều kiện then chốt để duy trì chuỗi cung ứng chip liên tục và an toàn".
Biến đổi khí hậu cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng. Sự gia tăng nhiệt độ không khí và nước ảnh hưởng đến hiệu suất phát điện, trong khi tình trạng bồi lắng và mưa cực đoan làm giảm đáng kể dung tích hiệu dụng của các hồ chứa quan trọng, theo báo cáo. "Hơn nữa, nhu cầu công nghiệp ngày càng tăng ở các khu vực thiếu tài nguyên đang khiến mức độ rủi ro khí hậu ngày càng nghiêm trọng hơn”.
Bà Lu Tsaiying, nhà nghiên cứu cấp cao kiêm Giám đốc Chương trình Phát triển bền vững và khả năng chống chịu khí hậu tại DSET, nhận định rằng, duy trì vị thế dẫn đầu lĩnh vực chip tiên tiến của Đài Loan không chỉ nằm ở "những thay đổi trong cục diện địa chính trị mà còn ở mối đe dọa ngày càng lớn từ các hiện tượng thời tiết cực đoan”.
"Việc Đài Loan phụ thuộc nhiều vào phân bổ tài nguyên liên vùng đòi hỏi phải tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống truyền tải điện và nước", bà Lu cho biết.
ĐI TÌM GIẢI PHÁP
Để đối phó với những thách thức này, báo cáo khuyến nghị Đài Loan cần đẩy mạnh phát triển và đầu tư vào hệ thống tái chế nước, khuyến khích đầu tư vào lưu trữ năng lượng, xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá rủi ro khí hậu và trao thêm quyền cho chính quyền địa phương.
Ngoài ra, báo cáo cũng đề xuất hỗ trợ các ngành công nghiệp khó giảm phát thải – vốn là những lĩnh vực sản xuất nặng khó chuyển đổi – thực hiện các biện pháp cắt giảm carbon.
Các giải pháp có thể bao gồm đơn giản hóa quy trình phê duyệt các dự án tái sử dụng nước bằng cách tích hợp các yêu cầu đánh giá môi trường, đồng thời, áp dụng cơ chế giá nước linh hoạt, điều chỉnh mức thu theo mùa để phản ánh sự thay đổi cung – cầu.
Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tái chế nước và xây dựng nhà máy xử lý cũng có thể góp phần giảm áp lực lên nguồn nước.
Chính sách nước của Đài Loan cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong chiến lược "friend-shoring" – tái định hình chuỗi cung ứng đang theo đuổi.
Ông Chang Chen-yen, chuyên gia phân tích chính sách thuộc Chương trình Phát triển bền vững và khả năng chống chịu khí hậu tại DSET, lưu ý rằng, nhà sản xuất chip hàng đầu của Đài Loan – TSMC – đang mở rộng chuỗi cung ứng sang Mỹ, Đức và Nhật Bản.
"Theo cách này, không chỉ các thị trường cùng chí hướng có thể hưởng lợi về mặt ngoại giao và kinh tế, mà còn có thể áp dụng kinh nghiệm quản lý nước và năng lượng của TSMC cũng như các đối tác để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn và lĩnh vực sản xuất nói chung", ông Chang chia sẻ với Nikkei Asia.
Theo ước tính của ông, nhà máy sản xuất chip 2 nanomet mới của TSMC tại Đài Trung sẽ tiêu thụ khoảng 98.000 tấn nước mỗi ngày, tương đương 7% tổng lượng nước tiêu thụ của thành phố. Tuy nhiên, công ty đã thiết lập vị thế dẫn đầu trong quản lý nước bằng cách tích hợp nước tái chế vào quy trình sản xuất chip, giúp giảm cạnh tranh tài nguyên với các ngành khác và hạn chế tác động của biến động lượng mưa.
"TSMC cũng đang tập trung vào việc cắt giảm tiêu thụ năng lượng bằng cách nâng cao hiệu suất thiết bị và tối ưu hóa các chương trình kiểm soát năng lượng cho hệ thống làm mát", ông bổ sung.
Báo cáo nhấn mạnh, dù đã có những nỗ lực đáng kể, Đài Loan cần tiếp tục "đầu tư vào các chương trình tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng trước tác động khí hậu và quản lý nhu cầu sử dụng tài nguyên. Các hướng dẫn đánh giá rủi ro cần được cập nhật để giải quyết các lỗ hổng liên quan đến vận hành hệ thống điện và điều phối liên vùng”.