SAB, VIC “gồng” chỉ số, lực bán tăng mạnh, khối ngoại xả ròng lớn nhất 2 tuần
Một thoáng mạnh mẽ của VIC đầu phiên sáng nay giúp VN-Index mở cửa tăng 0,8%, nhưng lực bán tăng nhanh sau đó đã đẩy loạt blue-chips tụt xuống. Độ rộng co lại rất nhanh cũng phản ánh áp lực này diễn ra trên diện rộng. Chỉ số chốt phiên sáng đã mất gần hết điểm tăng, trong khi VN30-Index đã lao xuống dưới tham chiếu. Khối ngoại xả ròng gần 458 tỷ đồng riêng tại HoSE, lớn nhất trong vòng 2 tuần trở lại đây...
Một thoáng mạnh mẽ của VIC đầu phiên sáng nay giúp VN-Index mở cửa tăng 0,8%, nhưng lực bán tăng nhanh sau đó đã đẩy loạt blue-chips tụt xuống. Độ rộng co lại rất nhanh cũng phản ánh áp lực này diễn ra trên diện rộng. Chỉ số chốt phiên sáng đã mất gần hết điểm tăng, trong khi VN30-Index đã lao xuống dưới tham chiếu. Khối ngoại xả ròng gần 458 tỷ đồng riêng tại HoSE, lớn nhất trong vòng 2 tuần trở lại đây.
Việc các trụ lớn nhất của chỉ số thay đổi đã đem lại hi vọng trong phiên đầu tuần, nhưng khả năng duy trì lại quá ngắn. VIC có lúc bật tăng 3,89%, VHM tăng 1,7%, VNM tăng 1,38%, GVR tăng 2,42%, GAS tăng 1,27%... tạo cảm giác thị trường đã sẵn sàng vượt đỉnh lần nữa, sau những thông tin tích cực cuối tuần qua.
Tuy nhiên các blue-chips thực sự gây thất vọng khi không đủ lực cầu nâng đỡ ở vùng giá cao. Trái lại, bên bán thoát hàng nhiều, tạo sức ép lớn sau đó đẩy dần giá lùi xuống. Nhóm VN30 từ chỗ toàn bộ tăng, đến cuối phiên sáng chỉ còn 10 mã tăng/14 mã giảm. VN30-Index tăng cao nhất 0,8% hiện đã thành giảm 0,02%.
Hiện các trụ đỡ chính chỉ còn sót lại SAB tăng 5,17%, VIC tăng 2,03%, VPB tăng 1,38%. Trong đó chỉ có SAB duy trì được mức tăng tốt, mới để mất khoảng 0,59% so với mức giá đỉnh lúc 10h50. Còn lại như đã nói, VIC tụt tới 1,79% so với mức đỉnh, VPB tụt 0,9%. Nhiều cổ phiếu khác rơi với biên độ lớn tới mức thủng cả tham chiếu như FPT rơi 3,42% so với đỉnh, thành giảm 1,54% so với tham chiếu; GVR trượt 2,8% thành giảm 0,44% so với tham chiếu; VNM trượt 1,85% thành giảm 0,5% so với tham chiếu…
Thanh khoản của rổ VN30 sáng nay tăng 33% so với phiên trước, đạt gần 4.411 tỷ đồng. Hiện tượng trượt giá sâu (17 mã trượt giảm hơn 1% so với đỉnh đầu phiên, 14 mã thủng tham chiếu) cho thấy trong quy mô thanh khoản nói trên, áp lực bán chiếm ưu thế.
Tình trạng này cũng diễn ra rộng trên thị trường. Độ rộng của VN-Index trong 10 phút đầu tiên của đợt khớp lệnh liên tục rất khá, với 289 mã tăng/86 mã giảm. Tuy nhiên đến giữa phiên, lúc 10h30 chỉ còn 216 mã tăng/261 mã giảm. Kết phiên sáng, HoSE ghi nhận 170 mã tăng/319 mã giảm. Trong đó, 91 cổ phiếu giảm trên 1% so với tham chiếu và thanh khoản nhóm này chiếm 28,2% tổng giá trị khớp của sàn. Nếu tính theo biên độ dao động trong ngày thì VN-Index có 62,2% số cổ phiếu phát sinh giao dịch đã trượt giá tối thiểu 1% so với mức đỉnh.
Tổng thanh khoản sàn HoSE cũng tăng 21% so với phiên trước, đạt khoảng 12.327 tỷ đồng. Sàn này có 35 cổ phiếu thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên thì chỉ có 15 mã tăng giá, còn lại là giảm. Đặc biệt Top 10 mã thanh khoản cao nhất chỉ có 3 mã tăng là VIC, VPB và VND.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ra khá mạnh sáng nay nhưng cũng không hẳn là nguyên nhân chính tạo biến động nói trên. Khối này cũng tranh thủ lúc giá tăng và xả hàng, nhưng về mặt tỷ trọng vẫn còn khá nhỏ. Cụ thể, trong rổ VN30 khối này bán ròng 257,9 tỷ đồng và tổng giá trị bán khoảng 597,8 tỷ, tức là chiếm 13,6% thanh khoản rổ. Trên cả sàn HoSE khối ngoại xả 1.002 tỷ đồng, chiếm gần 7,7% tổng giao dịch, mức ròng đạt 457,8 tỷ đồng. Tuy nhiên trong bối cảnh nhà đầu tư trong nước cũng đang có xu hướng bán ra nhiều thì khối ngoại cộng hưởng vào bên bán không phải là tin tốt.
Một số cổ phiếu bị bán ròng lớn sáng nay là HPG -117,7 tỷ đồng, SSI -90,1 tỷ, VHM -45,5 tỷ, KBC -41,8 tỷ, DXG -30,8 tỷ, NVL -26,6 tỷ, MWG -26,1 tỷ… Phía mua ròng lớn nahát có VIC cũng chỉ chưa tới 18 tỷ đồng.
VN-Index tụt lùi sáng nay nhưng chưa đỏ, vẫn tăng 1,6 điểm tương đương +0,13%. Dù vậy diễn biến trượt giảm không có lợi trong bối cảnh thị trường nỗ lực vượt đỉnh. Kiểu giao dịch như vậy đi cùng với mức thanh khoản tăng cao là tín hiệu của giao dịch bán chiếm ưu thế.