Sacombank đặt mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, sẵn sàng chia cổ tức
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Sacombank (mã chứng khoán: STB-HOSE) tổ chức sáng ngày 22/04 đã hé lộ nhiều thông tin tích cực cho cổ đông như kế hoạch lợi nhuận vượt 20% so với 2021, tích cực xử lý nợ xấu, sớm hoàn thành Đề án tái cơ cấu, sẵn sàng chia cổ tức nếu được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt…
Năm 2021 mặc dù gặp không ít khó khăn trong tình hình chung của nền kinh tế và dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên Sacombank đã hoàn thành tất cả các mục tiêu trọng yếu.
Kết thúc năm 2021, Sacombank đạt 12.660 tỷ đồng lợi nhuận, sau khi trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí Đề án tái cơ cấu, lợi nhuận trước thuế đạt 4.400 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch; tổng tài sản đạt trên 521.000 tỷ đồng, tăng gần 6%; huy động vốn hơn 464.500 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng hơn 388.200 tỷ đồng, tăng trưởng 14%; số lượng khách hàng chạm mốc 10 triệu (tăng mạnh ở nhóm khách hàng số); tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh xuống 1,47%...
Năm 2022, Sacombank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản lên trên 573.000 tỷ đồng, tăng 10% so với 2021; nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng lần lượt tăng 10% và 12%, tương ứng với 512.700 tỷ và 435.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 20% lên 5.280 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Trước mong mỏi của cổ đông về cổ tức, đại diện Sacombank cho biết, theo số liệu tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2021 thì lợi nhuận hợp nhất giữ lại đến cuối 2021 là gần 9.000 tỷ đồng, tương ứng gần bằng 50% vốn điều lệ của Sacombank. Đây là số tiền có thể dùng để chia cổ tức cho cổ đông.
Từ năm 2019 tới nay Sacombank vẫn liên tục trình phương án sử dụng lợi nhuận để chia cổ tức cho cổ đông và sẵn sàng dùng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức, nhưng do Sacombank vẫn đang thực hiện Đề án tái cơ cấu nên việc chia cổ tức phải được sự chấp thuận của NHNN.
Theo chủ tịch HĐQT Dương Công Minh, Sacombank cũng muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, vì giá cổ phiếu đang rất tốt, nhưng chưa được NHNN phê duyệt. “Dự kiến, đến năm 2022 hoặc đầu năm 2023, Ngân hàng có thể chia cổ tức", ông Minh nói.
TIẾP TỤC XỬ LÝ NỢ XẤU, SỚM HOÀN THÀNH ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU
Sacombank cũng đã thu hồi gần 14.100 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó gần 11.800 tỷ đồng là thuộc Đề án, vượt mục tiêu ĐHĐCĐ đại hội đồng cổ đông đề ra (10.000 tỷ đồng); hiện Sacombank vẫn tiếp tục thu theo tiến độ và sẽ thu hồi hơn 8.000 tỷ đồng.
4 tháng đầu năm 2022, Sacombank đã ghi nhận tăng trưởng huy động hơn 7%, tăng trưởng tín dụng hơn 6%. Đặc biệt nợ xấu thu hồi trên 11.500 tỷ, trong đó thực thu mang về cho ngân hàng 6.500 tỷ, dự kiến cả năm sẽ thu hồi và xử lý 15.000 tỷ đồng nợ xấu.
Năm 2021 cũng là năm đánh dấu 5 năm Sacombank thực hiện Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, lũy kế 5 năm từ 2017 đến 2021, Sacombank đã thu hồi và xử lý được hơn 58.300 tỷ đồng các khoản thuộc Đề án, đạt gần 68% kế hoạch tổng thể đến 2025. Nhờ đó, quy mô lãi khoanh giảm 73,7%, tỷ trọng tài sản tồn đọng giảm từ 29,3% xuống còn 8%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 6,81% xuống 1,47 % so với thời điểm 31/12/2016.
Ngân hàng cũng đã trích lập được 8.260 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro và xử lý tài sản tồn đọng trong năm qua, nâng tổng mức trích lập luỹ kế lên 20.287 tỷ, đạt 87,5% kế hoạch tổng thể của đề án đến năm 2025.
Vị thế của Sacombank phục hồi trên thị trường, được nhà đầu tư đánh giá cao khi giá cổ phiếu STB tăng gấp 3,3 lần năm 2016 từ chưa đến 10.000 đồng lên trên 31.000 đồng/cổ phiếu.
Nhiệm kỳ 2022-2026, Sacombank đặt mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu cùng với chuyển đổi số hoá toàn diện. Trong năm nay, Sacombank tiếp tục đặt trọng tâm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và nợ tồn đọng còn lại; Tiếp tục phát triển các giải pháp công nghệ số trong tất cả các hoạt động chính của ngân hàng; hoàn thiện các dự án quản trị rủi ro theo Basel II…
Được biết, lãi dự thu cuối năm 2021 của Sacombank đạt gần 6.000 tỷ, quý 4/2021 trích lập gần 2.500 tỷ, phần còn lại trích lập trong năm 2022 và dự kiến quý 3 sẽ trích lập đủ. Các khoản dự thu sẽ xử lý xong trước khi trình NHNN xử lý các cổ phiếu VAMC.
Về khoản nợ xấu liên quan Khu công nghiệp Phong Phú, ông Dương Công Minh cho biết ngân hàng đang tích cực làm việc với UBND Thành phố để đưa ra thời gian giải quyết đấu giá khoản nợ, dự kiến 2022 sẽ giải quyết dứt điểm việc đấu giá khoản nợ này.
"Khoản nợ của FLC tại Sacombank là 3.200 tỷ đồng, đã thu hồi được 2.600 tỷ đồng. Trong vòng 1 tháng nữa sẽ thu hồi xong khoản vay của FLC. Đây là khoản nợ tốt nhưng do sức ép dư luận nên Sacombank phải thu hồi sớm" - Chủ tịch Dương Công Minh nói.
Liên quan đến các khoản dư nợ cho vay Bất động sản, đặc biệt là dư nợ cho vay với hệ sinh thái FLC và Bamboo Airways, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc cho hay, Sacombank là Ngân hàng kiểm soát cho vay Bất động sản tốt nhất. Dư nợ cho vay bất động sản của Ngân hàng hiện chỉ chiếm 22%, trong đó cho vay người dân, tiêu dùng xây, sửa nhà chiếm đến 60%. Cụ thể, cho vay dư nợ doanh nghiệp Bất động sản là 30.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng dư nợ gần 400.000 tỷ đồng.
Cũng theo bà Diễm, cho vay hệ sinh thái của FLC hiện trên 5.000 tỷ đồng, trong đó có cả của Bamboo Airways. Các khoản vay này lúc đó là đồng hành cùng hàng không, du lịch và được đảm bảo bằng cổ phiếu, đằng sau là nhiều dự án Bất động sản nên vì vậy xử lý các tài sản này cũng tốt. Hiện ngân hàng đã xử lý được 2.600 tỷ đồng, đã thu nợ rồi và tới đây thu tiếp.
Với tiến độ kinh doanh đang được triển khai quyết liệt, theo bà Diễm, Sacombank tự tin sẽ hoàn thành và vượt mọi chỉ tiêu cổ đông giao. Ngân hàng dự kiến chậm nhất đến năm 2023 sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc Đề án tái cơ cấu, qua đó chính thức hoàn thành trước hạn đã được NHNN phê duyệt.
BẦU CỬ NHÂN SỰ BAN ĐIỀU HÀNH NHIỆM KỲ 2022 – 2026
Một nội dung quan trọng trong đại hội năm nay của Sacombank là bầu thêm HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2026. Theo đó, Đại hội thống nhất số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2026 là 7 thành viên, gồm: ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, ông Phạm Văn Phong - Phó Chủ tịch HĐQT, ông Phan Đình Tuệ - Thành viên HĐQT, ông Nguyễn Xuân Vũ – Thành viên HĐQT, cùng hai thành viên HĐQT độc lập là ông Vương Công Đức và bà Phạm Thị Thu Hằng.
Thành viên chuyên trách Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2026 gồm: ông Trần Minh Triết - Trưởng ban, 3 thành viên còn lại là ông Nguyễn Văn Thành, bà Hà Quỳnh Anh và ông Lâm Văn Kiệt.
Kết thúc quý 1/2022, lợi nhuận trước dự phòng Đề án của Sacombank đạt hơn 4.400 tỷ đồng, sau khi trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí theo Đề án, lợi nhuận trước thuế đạt 1.589 tỷ đồng; tổng tài sản 552.551 tỷ đồng, tổng huy động 496.372 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng 413.314. tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,24%.