Sắp diễn ra Tọa đàm “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”
Sáng ngày 11/07, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”...
Trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, thách thức bủa vây cả trong và ngoài nước nửa đầu năm, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020, mức đáy của giai đoạn 13 năm do đại dịch Covid-19. Với mức tăng GDP gần chạm đáy suốt nhiều năm, tất cả các cấu thành của tổng cầu đều ghi nhận mức tăng trưởng chậm (đầu tư, tiêu dùng) hoặc giảm sâu (xuất khẩu).
Xuất phát từ sự sụt giảm của tổng cầu nền kinh tế Việt Nam do nhiều nhân tố, Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới. Những biện pháp này cần tận dụng được những thành tựu mang tính nền tảng, những kết quả tích cực trong phục hồi kinh tế 6 tháng đầu năm, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trong nửa sau năm 2023.
Trước vấn đề quan trọng và thiết thực đó, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới” vào 8h00, ngày 11/7/2023 tại phòng hội thảo tầng G, Nhà A1, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, 207 đường Giải phóng, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Kết quả Tọa đàm sẽ được các cơ quan chủ trì tổ chức chuyển giao cho Ban Kinh tế Trung ương phục vụ xây dựng báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô và tham mưu các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của Ban.
Sự kiện thu hút được sự quan tâm lớn của các cơ quan ban ngành, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, các hiệp hội ngành hàng và xúc tiến thương mại nước ngoài, các cộng đồng doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam.
Dự kiến có khoảng hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức gồm: Ban Kinh tế Trung ương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành (Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, VCCI); các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như: Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), AmCham, EuroCham, US-ASEAN; các Hiệp hội doanh nghiệp và ngành hàng Việt Nam (Hiệp hội Bất động sản, Hiệp Hội Xuất khẩu Thủy sản, Tập đoàn Dệt may, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử…) cùng đại diện các viện, trường và doanh nghiệp.
Theo Ban tổ chức, mục tiêu của tọa đàm nhằm nắm bắt tình hình thực tiễn của kinh tế thế giới và Việt Nam trong nửa đầu năm 2023, đánh giá tổng cầu nền kinh tế trong bối cảnh mới và ghi nhận đầy đủ thông tin, tham khảo ý kiến phân tích, đánh giá đa chiều từ các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế, các hiệp hội xúc tiến thương mại và cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, đề xuất những giải pháp có tính chiến lược, kịp thời nhằm phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng trở lại của nền kinh tế.
Các nội dung được thảo luận trong tọa đàm bao gồm:
- Đánh giá làm rõ tình hình thực tiễn đang diễn biến của nền kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm 2023 và tác động đến kinh tế trong nước;
- Đánh giá thực trạng kinh tế vĩ mô Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 trên các khu vực chính của nền kinh tế (kinh tế thực, kinh tế đối ngoại, tài chính – tiền tệ, tài chính ngân sách);
- Đánh giá tổng cầu và các thành phần tổng cầu của nền kinh tế trong bối cảnh quốc tế và trong nước mới.
- Đề xuất định hướng và chính sách khôi phục tổng cầu của nền kinh tế để duy trì động lực và mức độ tăng trưởng của Việt Nam trong bối cảnh mới.
Chủ trì Tọa đàm:
- TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
- TS. Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
- TS. Chử Văn Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy
Tham luận và tham gia Phiên thảo luận:
- Ông Johnathan Picus, Kinh tế trưởng UNDP;
- TS. Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM;
- TS. Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân;
- Ông Trần Thành Long, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân, Bộ Kế hoạch & Đầu tư;
- Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược Tài chính, Bộ Tài chính;
- Ông Lê Quang Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Dự báo và Thống kê, Ngân hàng Nhà nước;
- Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương;
- Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê;
- Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam;
- Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI;
- Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam;
- Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA);
- Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam;
- Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam;
- Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Eurocham;
- Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Asean.