Sau bê bối chấn động, Daihatsu mất chứng nhận sản xuất 3 mẫu xe hạng nhẹ
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nhật Bản Tetsuo Saito vừa chính thức thông báo cơ quan này thu hồi chứng nhận đối với ba dòng xe do Daihatsu Motor Co. sản xuất tại cuộc họp báo vào ngày 16 tháng 1 sau vụ bê bối kết quả kiểm tra giả mạo gây chấn động ngành ô tô cuối năm 2023 vừa qua.
Ba mẫu xe thương mại hạng nhẹ bị thu hồi giấy chứng nhận sản xuất là Daihatsu Gran Max, Toyota Town Ace và Mazda Bongo.
Quyết định này được đưa ra sau khi hành vi gian lận nghiêm trọng trong quá trình kiểm tra chứng nhận xe của Daihatsu sử dụng dữ liệu gian lận được đưa ra ánh sáng.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Tetsuo Saito cho biết Bộ này sẽ ban hành lệnh chấn chỉnh tới Chủ tịch Daihatsu Soichiro Okudaira, yêu cầu cải thiện mạnh mẽ cơ cấu tổ chức của hãng xe.
Ông Saito nhấn mạnh tại cuộc họp báo: “Đây là một vấn đề lớn liên quan đến uy tín của ngành sản xuất Nhật Bản”.
Việc bị thu hồi giấy chứng nhận đồng nghĩa với việc sản xuất hàng loạt sẽ không thể thực hiện được cho đến khi chứng nhận được cấp lại.
Vào tháng 12/2023, Daihatsu đã công khai thừa nhận 174 trường hợp vi phạm trong các cuộc kiểm tra an toàn đối với hầu hết các loại xe hiện đang được sản xuất cùng với một số mẫu xe đã ngừng sản xuất. Công ty đã đình chỉ vận chuyển tất cả các mẫu xe, một hành động chưa từng có.
Bộ này đã tiến hành kiểm tra tại chỗ tại trụ sở chính của Daihatsu ở Ikeda, tỉnh Osaka để xác nhận sự thật. Ngoài ra, Bộ đang tiếp tục tiến hành các cuộc kiểm tra xác nhận an toàn trên 45 mẫu xe trong đó đã xác định được những điểm bất thường.
Vụ bê bối xảy ra như một đòn giáng mạnh vào Tập đoàn ô tô Toyota. Tập đoàn vẫn đang cố gắng ổn định lại trật tự sau khi công ty con sản xuất xe tải Hino Motors vào năm ngoái bị phát hiện gian lận trong các bài kiểm tra khí thải và hiệu quả sử dụng nhiên liệu trong ít nhất một khoảng thời gian hai thập kỷ.
Theo dữ liệu của Toyota, Daihatsu đã sản xuất 1,1 triệu xe trong 10 tháng đầu năm, gần 40% trong số đó là ở nước ngoài. Công ty đã bán được khoảng 660.000 xe trên toàn thế giới trong thời gian đó và chiếm 7% doanh số bán hàng của Toyota.
Vụ bê bối kiểm tra an toàn của Daihatsu đã đặt ra nhiều câu hỏi nghiêm trọng về trách nhiệm của ban lãnh đạo công ty, vốn bị chỉ trích vì đã cho phép làm sai lệch kết quả kiểm tra trên diện rộng. Những tiết lộ này cũng đặt ra nghi vấn về ban quản lý tập đoàn của Toyota Motor Corp., công ty mẹ của Daihatsu.
Một cuộc điều tra của ủy ban bên thứ ba bao gồm các luật sư bên ngoài và các chuyên gia khác đã phát hiện ra rằng phạm vi gian lận đã mở rộng và liên quan đến tổng cộng 64 mẫu ô tô, tăng so với 6 mẫu tính đến mùa xuân năm nay.
Daihatsu đã làm sai lệch kết quả của 25 loại thử nghiệm theo những cách như giả mạo và thay đổi dữ liệu, cũng như giả mạo phương tiện và thiết bị thử nghiệm.
Nhiều trường hợp liên quan đến gian lận trong các bài kiểm tra để xác minh hiệu suất quan trọng trong việc bảo vệ người lái xe và hành khách trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như bung túi khí.
Mặc dù Daihatsu tuyên bố đã xác nhận sự an toàn của những chiếc xe bị ảnh hưởng trong các cuộc thử nghiệm lại nhưng công ty buộc phải thực hiện mọi bước cần thiết để đảm bảo an toàn cho khách hàng.
Hơn nữa, nhà sản xuất ô tô cần xác định các yếu tố đằng sau hành vi sai trái và thực hiện các biện pháp để ngăn chặn tái diễn.
Theo báo cáo điều tra, vụ gian lận này bắt đầu từ hơn… 30 năm trước. Số vụ việc tăng lên rõ rệt sau năm 2014 và các hành vi gian lận vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2023.
Trong ngành công nghiệp ô tô, vụ gian lận trong bài kiểm tra mức tiết kiệm nhiên liệu của Mitsubishi Motors bị phanh phui vào năm 2016, khiến dư luận phản đối kịch liệt. Điều đáng ngạc nhiên là hành vi vi phạm nghiêm trọng như vậy vẫn tiếp diễn trong ngành ngay cả sau đó.
Hoạt động ở nước ngoài của Daihatsu tập trung chủ yếu vào Đông Nam Á. Người phát ngôn cho biết họ đã nối lại việc sản xuất ô tô thương hiệu Perodua tại hai nhà máy liên doanh mà họ vận hành với nhà sản xuất ô tô Perodua của Malaysia sau khi được cấp phép theo quy định.
Daihatsu, thuộc sở hữu hoàn toàn của Toyota, cho biết họ đã nối lại các chuyến hàng từ công ty con ở Indonesia, PT Astra Daihatsu Motor.
Một ủy ban độc lập trước đó đã điều tra Daihatsu sau khi họ cho biết vào tháng 4 rằng đã gian lận trong các cuộc kiểm tra an toàn va chạm bên hông được thực hiện đối với 88.000 ô tô nhỏ, hầu hết được bán dưới thương hiệu Toyota.
Những tiết lộ mới nhất cho thấy quy mô của vụ bê bối hiện đã lớn hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây và có thể làm hoen ố danh tiếng của các nhà sản xuất ô tô Toyota về chất lượng và an toàn.
Chánh văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi nói với báo chí: “Đây là một trường hợp cực kỳ đáng tiếc, làm xói mòn lòng tin của người sử dụng ô tô và là một hành vi sai trái ảnh hưởng đến nền tảng của hệ thống chứng nhận ô tô của Nhật Bản”.
Tại thị trường Việt Nam, Toyota Việt Nam cũng đã chủ động tạm dừng việc chuyển tất cả những lô xe có liên quan đến Daihatsu tới đại lý, để xác nhận thêm thông tin cụ thể cho thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu chi tiết về những bất thường nói trên, Toyota Việt Nam chỉ ngừng giao 01 mẫu xe bị ảnh hưởng tại Việt Nam là Avanza Premio phiên bản số sàn (MT).
Đáng chú ý, theo Toyota Việt Nam, theo kết quả điều tra của Ủy ban độc lập thuộc bên thứ 3, trong quá trình thử nghiệm khí thải và tiêu thụ nhiên liệu tại nước ngoài, có 01 sửa đổi không phù hợp trên mẫu xe Avanza Premio MT. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các mẫu xe Avanza Premio đều tuân thủ các quy định khi thử nghiệm và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn theo quy chuẩn Việt Nam.
Toyota khuyến nghị khách hàng đang sử dụng những mẫu xe này có thể yên tâm tiếp tục sử dụng xe bình thường vì Daihatsu đã tiến hành kiểm tra và thử nghiệm kỹ thuật nội bộ bằng cách sử dụng các mẫu xe thực tế để kiểm tra lại xem liệu có bất kỳ vấn đề gì về an toàn và môi trường đối với các mẫu xe đã phát hiện bất thường hay không. Các cuộc kiểm tra và thử nghiệm đã cho thấy những mẫu xe này đều đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, và không cần phải ngừng sử dụng xe.