Sau bê bối khí thải, Volkswagen vật lộn để cải thiện lợi nhuận
Volkswagen đã đầu tư hàng tỷ USD vào xe điện sau vụ bê bối khí thải Dieselgate và hiện tại thương hiệu của họ được đánh giá “không còn cạnh tranh”.
Volkswagen thực tế là một trong những hãng tham gia sớm nhất vào ngành công nghiệp xe điện, nhiều năm trước khi việc sở hữu hoặc lái EV trở nên phổ biến. Những nỗ lực của họ đã đạt được hiệu quả cao sau vụ bê bối ô nhiễm động cơ diesel nhấn chìm thương hiệu Đức.
Nhưng trong thời gian gần đây, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu đang phải vật lộn để cải thiện lợi nhuận của mình trong bối cảnh nhu cầu giảm và cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường.
Hiện nhà sản xuất ô tô này đang thực hiện sứ mệnh cải tổ chi phí để cải thiện thu nhập khoảng 11 tỷ USD vào năm 2026.
Giám đốc thương hiệu của Volkswagen, Thomas Schaefer, cảnh báo rằng năng suất và hiệu quả phải được tăng cường vì thương hiệu của hãng không còn cạnh tranh nữa.
Schaefer cho biết: “Với nhiều cấu trúc, quy trình có sẵn và chi phí cao, chúng tôi không còn khả năng cạnh tranh như thương hiệu Volkswagen trước đây nữa”.
Trong nỗ lực cắt giảm chi phí, Volkswagen có kế hoạch cắt giảm việc làm. Quy mô và khung thời gian của các đợt sa thải có thể xảy ra vẫn chưa rõ ràng.
Theo Reuters, mục tiêu tiết kiệm gần 11 tỷ USD của Volkswagen dự kiến sẽ đạt được bằng các biện pháp khác ngoài việc cắt giảm số lượng nhân viên sẽ được đặt ra vào cuối năm nay.
Schaefer hy vọng sẽ nâng lợi nhuận của thương hiệu Volkswagen lên 6,5% vào năm 2026, tăng từ mức 3,6% của năm ngoái.
Giám đốc thương hiệu VW cho hay: “Chúng tôi không kiếm đủ lợi nhuận từ những chiếc ô tô của mình để tài trợ cho quá trình chuyển đổi và tương lai của chúng tôi từ nguồn lực của chính mình. Các nhà sản xuất khác sẽ đóng cửa nhà máy trong tình huống như vậy”.
Công ty mẹ của Schaefer, Tập đoàn Volkswagen, sở hữu một số thương hiệu nổi bật bao gồm Audi, Porsche và thương hiệu cùng tên của nó, Volkswagen.
Các khoản đầu tư hào phóng của Volkswagen vào xe điện là kết quả sau bê bối Dieselgate, một vụ bê bối làm rung chuyển ngành công nghiệp ô tô vào năm 2015. Vào thời điểm đó, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ phát hiện ra nhà sản xuất ô tô Đức đã gian lận trong các cuộc kiểm tra khí thải theo quy định để che giấu quy mô thực tế của các chất ô nhiễm oxit nitơ có hại cao hơn đáng kể so với giới hạn quy định tại Mỹ.
Volkswagen đã thừa nhận cài đặt phần mềm trong 11 triệu xe trên toàn thế giới để vượt qua các cuộc kiểm tra về khí thải. Chức năng "không được nêu tên" sẽ cho phép những chiếc ô tô tham gia quá trình thử nghiệm vượt qua bài kiểm tra phát thải khí, và đáp ứng các tiêu chuẩn quy định của Mỹ. Trong khi thực tế chúng xả thải cao hơn đến 40 lần khi lái xe thường xuyên trên đường.
Sau khi bị các nhà chức trách Mỹ đưa ra ánh sáng, vụ việc trên đã giáng một đòn mạnh vào danh tiếng của Volkswagen và ngành công nghiệp ô tô ở Đức. Tổng cộng mức tiền phạt, án phí, tiền thu hồi xe và sửa chữa đã khiến công ty này thiệt hại khoảng 32 tỷ euro.
Cựu Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn sản xuất ô tô Volkswagen, ông Martin Winterkorn sau đó đã chấp nhận trả cho hãng 11 triệu euro để giải quyết khiếu nại xung quanh vụ bê bối khí thải.
Đặc biệt, vụ bê bối đã dẫn đến cuộc khủng hoảng đối với toàn bộ ngành công nghiệp ô tô sau khi việc gian lận cũng được phát hiện tại một số công ty khác.
Trong những năm sau vụ bê bối, Volkswagen quan tâm hơn nhiều đến việc tân trang lại hình ảnh bị ảnh hướng nghiêm trọng bằng công nghệ sạch, tương lai như xe điện. Trở lại năm 2017, công ty có trụ sở tại Wolfsburg đã cam kết đầu tư 40 tỷ USD vào nỗ lực xe điện với hy vọng thách thức người dẫn đầu là Tesla.
Về lý thuyết, đang là thời điểm không thể tốt hơn với 1/5 số ô tô bán ở Liên minh Châu Âu hiện là xe chạy hoàn toàn bằng điện. Nhưng việc thực hiện nó đã được cho là thiếu sót. Mặc dù dòng xe ID của Volkswagen đã giành được nhiều lời khen ngợi vì được thiết kế ngay từ đầu như một chiếc xe điện, nhưng điều này dẫn đến một thiết kế tiến bộ hơn mà các khách hàng truyền thống của nó đang gặp khó khăn.
Tệ hơn nữa, phần mềm của mẫu xe bị trục trặc và phản ứng chậm, điều này đã cản trở sự hấp dẫn của nó tại thị trường trọng điểm Trung Quốc, nơi các tính năng phần mềm trên ô tô mới nhất là điều bắt buộc đối với người mua xe điện.
Volkswagen đã đầu tư 700 triệu USD để mua 5% cổ phần của công ty khởi nghiệp xe điện Xpeng của Trung Quốc nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.
Mặc dù vậy, công ty vẫn phải đối mặt với một số thách thức bao gồm chi phí cao hơn, nhu cầu yếu hơn, những khó khăn trong chuỗi cung ứng và điều hướng thị trường với những đối thủ nhanh nhẹn và hiệu quả hơn như Tesla và BYD của Trung Quốc.
Volkswagen hiện cắt giảm công nhân tạm thời tại nhà máy xe điện ở Đức vào tháng 9 để đáp ứng nhu cầu chậm lại, đã cắt giảm dự báo giao xe trong năm và báo cáo thu nhập quý 3 không đạt kỳ vọng của các nhà phân tích.