Sau đấu giá đất Thủ Thiêm, bất động sản khu Đông TP.HCM lại tăng giá
Giá bất động sản khu Đông tại TP.HCM đang tăng cao cho thấy tình trạng “té nước theo mưa” vì thực tế giao dịch rất trầm lắng…
Sau thông tin đấu giá thành công 4 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TP.HCM), thực trạng giao dịch bất động sản tại khu Đông vắng lặng, không bán được hàng vì giá quá cao.
NGƯNG GIAO DỊCH CHỜ GIÁ MỚI
Những ngày đầu năm 2022, theo chân những nhà đầu tư đi tìm hiểu giá nhà đất tại khu vực TP. Thủ Đức (TP.HCM), nơi vừa đấu giá thành công giá đất cao kỷ lục 2,4 tỷ đồng/m2 tại khu đất có ký hiệu 3.12 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cho thấy giá nhà đất tại khu vực này có sự tăng giá nhanh so với trước.
Chẳng hạn, tại dự án The Metropole Thủ Thiêm giá bán khởi điểm năm 2020 là 160 triệu đồng/m2 đến nay giá giao dịch đã tăng lên 210 triệu đồng/m2. Tại dự án The River, năm 2020 giá bán ra khởi điểm 100 triệu đồng/m2, đến nay ghi nhận giao dịch ở mức 130 triệu đồng/m2…
Chủ một văn phòng môi giới bất động sản nằm trên đường Liên Phường (thuộc quận 9 cũ, nay là TP. Thủ Đức, TP.HCM), cho biết giá nhà đất tại những dự án cũ xung quanh khu vực này của các chủ đầu tư như Kiến Á, Nam Long, Nhà Phú Nhuận… đều đã nhích lên 5 - 10 triệu đồng/m2 so với trước. Chẳng hạn, tại một dự án của Kiến Á, căn nhà có diện tích 200m2, có giá 61 triệu đồng/m2.
Tương tự, giá nhà đất được các môi giới đăng bán trên các trang web về mua bán bất động sản cũng tăng cao so với trước đó. Nếu như vào tháng 5/2021, có những dự án chào báo với giá chỉ 55 triệu đồng/m2, nay đã tăng lên 70 triệu đồng/m2… Anh Quân, chủ văn phòng môi giới Bất động sản Đất Việt, cho biết có thể sau Tết Nguyên Đán 2022, giá mặt bằng bất động sản tại khu vực này sẽ tăng hơn nữa.
Đặc biệt, khi tìm hỏi thông tin nhà đất ở khu vực lân cận Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhiều chủ nhà đăng tin muốn bán nhà trước đó, nay đã trả lời chưa muốn bán, thị trường khu này gần như ngưng giao dịch.
Theo lời một nhân viên môi giới bất động sản tại khu vực quận 9 cũ, sau khi có thông tin đấu giá thành công 04 lô đất tại Thủ Thiêm, những chủ nhà gửi hàng bán đều rút lại không muốn bán nữa, trừ trường hợp những nhà đó thực sự kẹt tiền.
Nhận định về tình trạng ngưng giao dịch, anh Quân cho biết thêm từ khi nới lỏng giãn cách đến nay, nếu bán được căn nhà nào là do nhà đó “ngộp”, với mặt bằng giá cao như này không ai mua. Thị trường rất vắng lặng, không bán được hàng.
Tâm lý thị trường đã lan ra một số khu vực khác tại TP.HCM, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản ở quận 3 cho rằng đã có kế hoạch tung ra thị trường một số sản phẩm dịp cận Tết Nguyên Đán 2022, nhưng nay cũng đang tạm hoãn lại, chờ xem xét mặt bằng giá mới trước khi chào bán.
Theo nghiên của các đơn vị tư vấn như CBRE Việt Nam, Savills Việt Nam, giá đất tại TP. Thủ Đức có tốc độ tăng cao nhất TP.HCM. So với thời điểm cuối năm 2019, nơi đây ghi nhận mức tăng giá đất 150-200%, thậm chí có vị trí lên đến 250%, với căn hộ cao cấp cũng tăng gần 100%. Trong đó, giá căn hộ cao cấp ở quận 2 và quận 9 (cũ), giá đã tăng trung bình từ 40-60% so với cách đây 02 năm. Giá nhà đất thấp tầng trên một số trục đường như đường Song Hành hiện có giá 300 - 340 triệu đồng/m2, đường Trần Não 320 - 380 triệu đồng/m2, đường Lương Định Của 280-320 triệu đồng/m2.
DỰ ÁN SẼ BỊ VƯỚNG DO KHÓ XÁC ĐỊNH GIÁ ĐẤT
Nhận định về bất động sản khu vực TP. Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông (Phú Đông Group), cho rằng thị trường có vẻ đang xác lập một tâm lý giá mới. Những người muốn bán có tâm lý không muốn bán nữa sau khi biết thông tin đấu giá lô đất tại Thủ Thiêm. Đối với doanh nghiệp, họ cũng đắn đo với mặt bằng giá đó khó có thể làm được dự án.
Ngay như Phú Đông Group cũng gặp khó khi chuẩn bị mua một miếng đất với giá đã thương lượng trước đó. “Nay họ thông báo không bán nữa và muốn đàm phán lại để có giá mới. Mức giá mới này khá giá cao, ảnh hưởng đến chi phí đầu tư của doanh nghiệp”, ông Phúc nói.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), giá đất quá cao mới được xác lập sẽ khiến cho các chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất, hoặc mới “tạm nộp” tiền sử dụng đất lâm vào cảnh “ngồi trên đống lửa”, nhất là đối với chủ đầu tư đã ký hợp đồng huy động vốn trước của khách hàng. Vì nếu xác định tiền sử dụng đất theo giá thị trường dựa trên các mức giá “khủng” thì tiền sử dụng đất sẽ tăng lên rất nhiều và chủ đầu tư sẽ bị thiệt hại.
Ví như dự án chung cư New City thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thuận Việt (Thuận Việt) làm chủ đầu tư đang gặp khó khăn trong việc nộp tiền sử dụng đất. Đây là dự án nằm trong loạt căn hộ tái định cư tại phường An Khánh, quận 2 cũ, nay được chuyển đổi thành dự án nhà ở thương mại.
Theo ông Võ Văn Bé, Tổng giám đốc, công ty Thuận Việt, giá đất tại thời điểm Thuận Việt hoàn tất thủ tục pháp lý được xác định là 19,6 triệu đồng/m2, nhưng Hội đồng Thẩm định giá không dám quyết, vì Thành ủy TP.HCM cho rằng mức giá đất phải là 26 triệu đồng/m2. Hiện nay, mức giá đất ở khu vực này chưa được xác định. Công ty tạm đóng tiền sử dụng đất với mức Thành ủy đưa ra là 26 triệu đồng/m2. Do đó, việc ra sổ hồng cho khách hàng tại dự án vẫn chưa được giải quyết.
“Ngoài ra, giá đất quá cao còn gây trở ngại cho việc kéo giảm giá nhà ở thương mại. Hiện TP.HCM gần như không thể tìm ra dự án nhà ở thương mại có mức giá dưới 30 triệu đồng/m2 sàn căn hộ”, Chủ tịch HoREA nêu quan điểm.