Sau gần hai năm đóng băng, doanh nghiệp Trung Quốc lại đổ tới Mỹ để IPO
Theo CNBC, các startup Trung Quốc đang bắt đầu trở lại thị trường chứng khoán Mỹ để huy động vốn, sau khi công ty gọi xe Didi hủy niêm yết ở Mỹ vào giữa năm 2021...
Ngày 9/2, Hesai Group, công ty bán công nghệ cảm biến ánh sáng “lidar” cho xe tự lái, phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ và chứng kiến giá cổ phiếu tăng gần 11% trong phiên chào sàn.
Công ty này đã huy động được 190 triệu USD qua vụ IPO này, nhiều hơn đáng kể so với kế hoạch ban đầu. Đây là một trong những IPO lớn nhất của một công ty Trung Quốc tại Mỹ kể từ sau thương vụ “khủng” huy động 4,4 tỷ USD của công ty gọi xe công nghệ Didi vào tháng 6/2021. Thương vụ của Didi vấp phải sự phản đối của các cơ quan quản lý Trung Quốc. Do đó, chỉ vài ngày sau khi niêm yết, công ty này bị điều tra về vấn đề an ninh mạng và phải hủy niêm yết không lâu sau đó.
Theo Wind Information, tính từ sau vụ hủy niêm yết của Didi tới cuối năm 2022, chỉ 6 công ty có đặt trụ sở tại Trung Quốc phát hành chứng chỉ lưu ký tại Mỹ. Một trong số này là công ty công nghệ sinh học LianBio, huy động được 334,5 triệu USD vào tháng 11/2021 - thương vụ lớn nhất kể từ sau IPO của Didi.
Thời kỳ “đóng băng” các IPO Trung Quốc ở Mỹ đang bắt đầu kết thúc khi tình hình pháp lý trở nên rõ ràng hơn.
Các cơ quan quản lý Trung Quốc gần đây đã ban hành một quy định mới yêu cầu các công ty vận hành nền tảng internet mà thu thập thông tin cá nhân của từ 1 triệu người dùng trở lên phải đăng ký quy trình đánh giá về an ninh mạng trước khi niêm yết ở nước ngoài.
Về phía Mỹ, năm ngoái, Ủy ban giám sát kế toán công ty đại chúng Mỹ (PCAOB) đã đạt được thỏa thuận với Cơ quan quản lý chứng khoán và Bộ Tài chính Trung Quốc về việc kiểm tra tài liệu kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ.
Vào giữa tháng 12/2022, PCAOB cho biết họ đã có “quyền tiếp cận toàn diện” với các tài liệu nói trên. Điều này giúp các công ty Trung Quốc đang niêm yết ở Mỹ tránh được rủi ro phải hủy niêm yết tại các sàn chứng khoán Mỹ.
Sau thông báo trên của PCAOB, công ty giáo dục trực tuyến cho người trưởng thành QuantaShing đã trở thành công ty Trung Quốc đầu tiên niêm yết ở Mỹ, huy động được 40,6 triệu USD. IPO này được bảo lãnh phát hành bởi các ngân hàng đầu tư lớn như Citigroup, CICC và CLSA. Hai trong số các nhà đầu tư lớn của QuantaSing là Prospect Avenue Capital và Qiming Venture Partners.
Qiming Venture Partners cũng đầu tư vào 2 công ty Trung Quốc khác đã niêm yết tại Mỹ trong năm nay là Structure Therapeutics và Hesai.
Cả QuantaSing, Structure Therapeutics và Hesai đều niêm yết trên sàn Nasdaq và đều nêu rõ mức độ rủi ro về pháp lý liên quan tới các nhà quản lý của Trung Quốc và Mỹ trong bản cáo bạch IPO của mình.
Cụ thể, Hesai, công ty bán công nghệ cho nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Li Auto và một số công ty Mỹ, cho biết họ đã nhận được xác nhận bằng văn bản từ cơ quan quản lý an ninh mạng Trung Quốc rằng họ không cần đăng ký quy trình xem xét an ninh mạng nếu không thu thập thông tin cá nhân của trên 1 triệu người dùng.
Còn QuantaSing cho biết họ có trên 1 triệu người dùng và đã hoàn thành đánh giá an ninh mạng vào tháng 8/2022. Trong khi đó, Structure Therapeutics cho biết không nhận được bất kỳ thông báo nào từ các cơ quan quản lý Trung Quốc rằng cần phải thực hiện quy trình đánh giá an ninh mạng.
Về phía Mỹ, các công ty đều nói rằng trong tương lai các nhà chức trách Mỹ có thể xác định rằng họ không thể hoàn thành các đánh giá về kiểm toán, và điều này sẽ khiến họ có nguy cơ bị hủy niêm yết.
Giới phân tích dự báo thời gian tới sẽ có nhiều IPO của công ty Trung Quốc tại Mỹ. Ông Drew Bernstein, đồng chủ tịch tại công ty kiểm toán Marcum Asia CPA LLP, tuần trước cho biết doanh nghiệp của ông đang làm việc với khoảng 50 công ty - hầu hết đặt trụ sở ở Trung Quốc - đang có kế hoạch niêm yết ở Mỹ.
“Đây có lẽ là lượng công việc lớn nhất mà công ty chúng tôi từng có từ trước đến nay”, ông Bernstein chia sẻ. “Nếu lượt niêm yết đầu tiên này được định giá thành công, thì sẽ giống như mở cánh cửa xả lũ ra vậy”.
Tuy nhiên, ông dự báo các công ty muốn IPO có thể mất nhiều thời gian để trở lại thị trường Mỹ, đặc biệt là khi vẫn còn tình trạng khó khăn trong việc xin thị thực và ra vào Trung Quốc.