Sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ cho tác phẩm báo chí chất lượng cao
Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao giai đoạn 2021 – 2025 của Chính phủ được coi như một “phao cứu sinh” trong lúc kinh tế khó khăn, đã giúp nhiều cấp Hội Nhà báo có thêm nguồn lực đầu tư vào hoạt động sáng tác tác phẩm chất lượng cao…
Chiều 18/3/2024, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (2021 – 2023) và Hội nghị thi đua khen thưởng năm 2024.
Theo Hội Nhà báo Việt Nam, tính đến nay Hội đã có 25.424 hội viên – nhà báo sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 21 Liên Chi hội và 223 Chi hội Nhà báo trực thuộc Trung ương.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết Chính phủ luôn đánh giá cao vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đó, từ nhiều năm nay, tạo điều kiện cho Hội hoạt động và phát triển, ngày 25/4/2016 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 650/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016 – 2020”. Đề án đã hoàn thành trọn vẹn và đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã tạo nên những tác phẩm có chiều sâu, phản ánh đậm nét mọi mặt của đời sống xã hội.
Tiếp nối thành công của đề án này, ngày 08/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 558/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 – 2025”.
Chương trình đã tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ báo chí với nguồn kinh phí lớn hơn, tập trung vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, định hướng tuyên truyền, khai thác các mảng đề tài quan trọng về công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… đề tài về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, xóa đói giảm nghèo, về miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số...
Nhiều Hội Nhà báo, Liên Chi hội và Chi hội đã triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao, mở được nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức các đợt đi thực tế, đạt được nhiều Giải Báo chí Quốc gia, giải báo chí tỉnh và các giải báo chí chuyên ngành khác, thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn triển khai của Cơ quan Trung ương Hội.
“Có thể nói Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao giai đoạn 2021 – 2025 của Chính phủ đã được các cấp Hội triển khai thành công với nhiều kết quả rất đáng khích lệ trong 3 năm qua”, ông Lợi nhấn mạnh.
Để triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ trong các năm tới, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam yêu cầu các đơn vị làm rõ hơn về phạm vi đề tài được khuyến khích và sự phù hợp với môi trường tác nghiệp. Công tác hỗ trợ gắn với nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới hình thức thể hiện các tác phẩm báo chí; công tác hỗ trợ gắn với nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của hội viên...
Theo Chánh văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam Phan Toàn Thắng, nhờ có kinh phí bổ sung, nhiều cấp Hội Nhà báo khó khăn về tài chính đã có thêm nguồn lực đầu tư vào hoạt động sáng tác tác phẩm chất lượng cao, được coi như một “phao cứu sinh” trong lúc kinh tế khó khăn. Đây cũng là nguồn khích lệ, tiếp sức cho anh chị em nhà báo, hội viên sáng tạo hay hơn, cao hơn...
“Quá trình triển khai thực hiện Chương trình, nhiều tác phẩm chất lượng cao được hưởng kinh phí hỗ trợ đã đoạt Giải báo chí Quốc gia và Giải báo chí của các địa phương, giải báo chí các bộ, ngành, đoàn thể. Thực tế cho thấy, các tác phẩm đoạt giải cao (A,B,C) của Giải báo chí Quốc gia những năm qua đều là tác phẩm báo chí chất lượng cao đã được hỗ trợ”, ông Thắng cho hay.
Tại hội nghị, đại diện Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, các Liên Chi hội và Chi hội trực thuộc Trung ương đã thảo luận, đánh giá các kết quả đạt được của chương trình cũng như những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.
Một số Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, đề xuất Cơ quan Trung ương Hội quan tâm, tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao từ nguồn ngân sách để các hội viên - nhà báo, đặc biệt là những hội viên ở những tỉnh khó khăn có điều kiện tiếp cận thêm những nội dung và kỹ năng làm báo hiện đại.
Về vấn đề này, Cơ quan Trung ương Hội giao Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí và Ban Nghiệp vụ tiếp tục tích cực phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cấp Hội, lên kế hoạch và tăng cường các chương trình bồi dưỡng cụ thể, đáp ứng nhu cầu của từng đơn vị, địa phương.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, Cơ quan Trung ương Hội sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ, các cơ quan liên quan để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho giai đoạn sau.
“Hội Nhà báo Việt Nam sẽ quan tâm, tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao từ nguồn ngân sách để các hội viên - nhà báo, đặc biệt là những hội viên ở những tỉnh khó khăn có điều kiện tiếp cận thêm những nội dung và kỹ năng làm báo hiện đại”, ông Lợi nói.