Siết kiểm soát ngành công nghệ, kinh tế Trung Quốc chưa thể vượt Mỹ trước năm 2033
Quy mô nền kinh tế Trung Quốc sẽ không thể vượt qua Mỹ vào năm 2029 như dự báo của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) đưa ra khoảng một năm trước, mà phải tới năm 2033...
JCER dự báo tổng sản phẩm nội địa danh nghĩa của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2033, chậm hơn so với dự báo đưa ra khoảng một năm trước. Khi đó, JCER nhận định Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028 nếu đại dịch Covid-19 không diễn biến nghiêm trọng hoặc vào năm 2029 nếu đại dịch đi theo kịch bản chuẩn.
LOẠT YẾU TỐ KÌM HÃM TĂNG TRƯỞNG CỦA TRUNG QUỐC
Theo Nikkei Asia, trong báo cáo công bố ngày 15/12, JCER nhận định triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro sau khi liên tiếp có những động thái siết quản lý với các hãng công nghệ tư nhân và ngành công nghiệp lớn của đất nước.
Nhà chức trách Trung Quốc đã mở hàng loạt vụ điều tra nhằm vào các tập đoàn công nghệ lớn trong nước như Alibaba, JD.com, Meituan... với các cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền, an ninh dữ liệu... Gần đây nhất, hãng gọi xe lớn nhất Trung Quốc Didi đã phải tuyên bố rút niêm yết khỏi sàn chứng khoán Mỹ trước áp lực từ Bắc Kinh. Giới phân tích dự báo áp lực chính sách lên ngành công nghệ vốn phát triển bùng nổ những năm qua của Trung Quốc sẽ còn kéo dài thời gian tới.
Không chỉ vậy, JCER cũng cho rằng những động thái thúc đẩy phi carbon hóa hiện tại của Bắc Kinh cũng như gánh nặng nợ “khổng lồ”, trong đó có nguy cơ từ “đế chế” địa ốc vỡ nợ Evergrande, sẽ kìm hãm đà tăng trưởng của Trung Quốc. Bên cạnh đó, đầu tư cũng được dự báo sẽ giảm sau khi Bắc Kinh ban hành một loạt quy định tài chính nghiêm ngặt nhằm hạn chế đầu tư quá mức vào lĩnh vực bất động sản.
ra, JCER cho biết việc điều chỉnh dự báo cũng tính tới sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ trong năm nay nhờ gói kích thích kinh tế quy mô lớn của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Gói kích thích có tên Xây lại tốt hơn (Build Back Better) của ông Biden có quy mô khoảng 1.700 tỷ USD đã được Hạ viện thông qua hôm 19/11 và đang chờ Thượng viện thông qua để ký thành luật. Nếu được thông qua, hãng tỷ USD sẽ được "bơm" vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, chương trình mầm non do chính phủ tài trợ (Universal pre-K)…
CHUYỂN ĐỔI SỐ HOẶC TỤT HẬU
Cũng trong báo cáo nói trên, JCER đưa ra dự báo về tăng trưởng của 18 nền kinh tế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương tới năm 2035, đồng thời phân tích GDP bình quân đầu người tại mỗi nền kinh tế này.
JCER dự báo Hàn Quốc và Đài Loan sẽ lần lượt vượt qua Nhật Bản về GDP đầu người, do sự chậm trễ trong việc số hóa cũng như các vấn đề khác sẽ kéo tụt năng suất lao động của người Nhật. GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc và Đài Loan được dự báo sẽ lần lượt tăng 6% và 8,4% mỗi năm tới năm 2025, trong khi mức tăng của Nhật chỉ đạt 2%/năm.
“Việc tăng năng suất lao động sẽ phụ thuộc vào sự thành công của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số”, JCER nhấn mạnh trong báo cáo.
Theo Nikkei Asia, Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống nhận dạng quốc gia vào những năm 1960, theo đó cho phép người dân thực hiện khoảng 1.300 loại đăng ký và quy trình hành chính bằng cách nhập số chứng minh nhân dân của mình vào cổng thông tin của chính phủ. Khi Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ tiền mặt cho người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, hơn 90% người thụ hưởng đã nhận được tiền trong vòng 1 tháng.
Trong khi đó, Đài Loan đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Một cổng thông tin của chính quyền đặc khu cho phép người dân đăng ký và nộp hồ sơ ở tất cả các giai đoạn trong cuộc đời, từ khi sinh ra, cho tới khi nghỉ hưu và qua đời. Trang web này cũng nhận đăng ký mở doanh nghiệp.
Ngược lại, các giao dịch kinh doanh tại Nhật vẫn chủ yếu được thực hiện trực tiếp, thay vì thông qua hệ thống điện tử. Một nghiên cứu so sánh Nhật Bản, Hoa Kỳ và Đức do Bộ Nội vụ Nhật Bản thực hiện mới đây cho thấy 25% chữ ký và con dấu của các doanh nghiệp Nhật trên hợp đồng và những tài liệu khác trao cho đối tác kinh doanh “hoàn toàn không được số hóa”. Trong khi đó, 25% công ty Mỹ cho biết các quy trình này đã được họ "số hóa hoàn toàn".
Nhật Bản cũng tương đôi chậm chạp trong việc số hóa các giao dịch tài chính, vốn chiếm một phần lớn trong công việc văn thư của doanh nghiệp. Chỉ có khoảng 10% công ty nộp thuế và các chi phí công khác qua phương thức điện tử. Hầu hết doanh nghiệp Nhật vẫn cử nhân viên đến ngân hàng để thực hiện các giao dịch.
"Kinh tế Nhật có thể rơi vào tình trạng tăng trưởng âm triền miên vào những năm 2030 nếu không tăng tốc quá trình chuyển đổi số", JCER cảnh báo.