Singapore đầu tư mạnh mẽ vào AI nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó
Singapore đang mạnh tay đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, nhưng doanh nghiệp vẫn loay hoay trong việc mở rộng quy mô ứng dụng…

Singapore hiện đi đầu trong khu vực về đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), song nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi triển khai AI trên quy mô toàn doanh nghiệp, đây một trong những phát hiện nổi bật trong báo cáo toàn cầu của Viện IBM Institute for Business Value, theo Tech Node Global.
Nghiên cứu thường niên này khảo sát 2.000 Giám đốc Điều hành (CEO) trên toàn cầu, trong đó có 210 CEO đến từ ASEAN và Singapore. Kết quả cho thấy, phần lớn lãnh đạo doanh nghiệp cam kết mở rộng triển khai giải pháp AI trong tổ chức của mình, bất chấp những thách thức từ tốc độ phát triển công nghệ ngày càng nhanh.
ĐẦU TƯ TĂNG MẠNH NHƯNG HIỆU QUẢ CÒN HẠN CHẾ
Theo báo cáo, các CEO tại Singapore kỳ vọng tốc độ tăng trưởng đầu tư vào AI sẽ tăng gấp đôi trong hai năm tới. Tuy nhiên, chỉ hơn một nửa (52%) cho biết họ đang tích cực áp dụng “tác nhân AI” (AI agents) và chuẩn bị đưa vào triển khai trên quy mô lớn.
Dù vậy, chỉ 23% các CEO Singapore được khảo sát xác nhận rằng sáng kiến AI hiện tại mang lại lợi suất như kỳ vọng. Con số này cho thấy khoảng cách đáng kể giữa kỳ vọng đầu tư và hiệu quả thực tế.
Trong khi đó, có đến 80% CEO tại Singapore – cao hơn mức trung bình toàn cầu là 65% – cho biết họ ưu tiên ứng dụng AI dựa trên chỉ số hoàn vốn đầu tư (ROI). Đồng thời, 68% nhận định dữ liệu độc quyền của tổ chức là yếu tố then chốt để khai phá giá trị của AI tạo sinh (generative AI).
Tuy nhiên, khả năng khai thác dữ liệu trong nội bộ vẫn là điểm yếu lớn khi 58% lãnh đạo thừa nhận thiếu kiến trúc dữ liệu tích hợp toàn doanh nghiệp, gây cản trở cho sự phối hợp liên phòng ban. Một nửa (52%) trong số đó cho biết các khoản đầu tư gần đây khiến hệ thống công nghệ trong tổ chức trở nên rời rạc, thiếu liên kết.
CẦN CHẤP NHẬN RỦI RO ĐỂ ĐẦU TƯ LÂU DÀI

Ông Gary Cohn, Phó Chủ tịch IBM, nhấn mạnh: “Việc áp dụng AI đang tăng tốc, mang lại hiệu quả và năng suất vượt trội. Nhưng thành quả lớn nhất sẽ chỉ đến với những CEO dám coi rủi ro là cơ hội. Trong một thế giới đầy biến động, việc kiểm soát những gì mình có thể kiểm soát là một lợi thế cạnh tranh thực sự”.
“Lãnh đạo nào không tận dụng AI và dữ liệu của chính mình để tiến lên, nghĩa là họ đang chọn không cạnh tranh”, Phó Chủ tịch IBM nói thêm.
Tại khu vực ASEAN, ông Abraham Thomas – Đối tác điều hành IBM Consulting – cho rằng các doanh nghiệp đang chịu áp lực kép: vừa phải chứng minh hiệu quả tài chính ngắn hạn, vừa cần đầu tư dài hạn để duy trì sức cạnh tranh.
“Thách thức lớn nhất hiện nay là môi trường số phân mảnh, mỗi quốc gia có quy định và tiêu chuẩn khác nhau về dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới. Singapore nổi bật nhờ chiến lược AI quốc gia. Doanh nghiệp cần học hỏi bằng cách xây dựng nền tảng dữ liệu linh hoạt và đầu tư vào nhân lực đủ năng lực hiện thực hóa tham vọng AI”, ông Thomas cho hay.
Chỉ 14% CEO Singapore cho biết họ đã mở rộng triển khai AI trên quy mô toàn doanh nghiệp. Trong khi đó, 52% khẳng định tổ chức của họ đang nhìn thấy giá trị từ các khoản đầu tư vào AI tạo sinh – nhưng phần lớn giá trị vẫn xoay quanh cắt giảm chi phí, thay vì đổi mới.
77% lãnh đạo thừa nhận họ đang đầu tư vào một số công nghệ khi chưa thật sự hiểu rõ giá trị mà công nghệ đó mang lại, chỉ vì lo ngại bị tụt hậu. Tuy nhiên, chỉ 40% đồng tình với quan điểm “thà nhanh mà sai còn hơn chậm mà đúng” trong việc áp dụng công nghệ.
CẦN LINH HOẠT TRONG KẾ HOẠCH NGÂN SÁCH VÀ MÔ HÌNH LÃNH ĐẠO
58% CEO Singapore nói rằng doanh nghiệp của họ gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách giữa vận hành hiện tại và đầu tư đổi mới khi có biến động bất ngờ. 62% cho biết họ cần nhiều sự linh hoạt hơn trong chi tiêu để tận dụng các cơ hội số giúp tăng trưởng dài hạn.
Báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò then chốt của đội ngũ lãnh đạo chiến lược và nhân tài chuyên môn trong việc khai thác giá trị AI. 75% lãnh đạo được hỏi cho rằng thành công của tổ chức gắn liền với việc duy trì một nhóm lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược và quyền ra quyết định cao.
Trong khi đó, 72% cho rằng năng lực cạnh tranh phụ thuộc vào việc có đúng người, đúng kỹ năng, đúng vị trí, và được khuyến khích đúng cách. Các CEO Singapore ước tính khoảng 32% lực lượng lao động của họ cần được đào tạo lại hoặc nâng cấp kỹ năng trong ba năm tới. Đồng thời, 67% cho biết họ sẽ tận dụng tự động hóa để bù đắp khoảng trống kỹ năng.
Đáng chú ý, gần một nửa (48%) doanh nghiệp đang tuyển dụng các vị trí liên quan đến AI – những vị trí không tồn tại cách đây một năm.
Ngoài Singapore, nhiều quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cũng đang tăng tốc đầu tư vào AI với mục tiêu chiếm lĩnh các ngành công nghệ mũi nhọn. Theo báo cáo của IDC, chi tiêu cho AI tại châu Á – Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản và Trung Quốc) dự kiến đạt gần 50 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 25%. Điều này tạo áp lực cạnh tranh lớn cho Singapore trong việc duy trì vị thế dẫn đầu về đổi mới sáng tạo trong khu vực.