Số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng
Trong hai tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng gần 20% so với cùng kỳ 2022…
Tổng cục Thống kê cho biết, trong hai tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới là 550 doanh nghiệp, giảm 62,4% so với cùng kỳ; số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quay trở lại hoạt động khoảng 608 doanh nghiệp, bằng 81,2% so cùng kỳ. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể là 235 doanh nghiệp, tăng gần 20%.
Nhìn lại tình hình hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản trong 2022, Bộ Xây dựng thông tin, theo số liệu thống kê của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới; và số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 8.593 doanh nghiệp, tăng 13,7%; số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 2.081 doanh nghiệp, tăng 56,7%; số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể cũng tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Xây dựng đánh giá, năm 2022 vẫn là năm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như: tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO; có Tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động… để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Lý giải nguyên nhân, các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính – bất động sản Dat Xanh Services (FERI) nhận xét, trái ngược với kỳ vọng thị trường bất động sản năm 2022 sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hậu Covid-19, thực tế những biến động xảy ra đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản trở tay không kịp.
Chuyên gia thông tin, nửa đầu năm, nền kinh tế phục hồi nhanh, tâm lý đầu tư thay đổi tích cực sau cao điểm dịch bệnh, nguồn cung mới khoảng 55.000 sản phẩm tạo kỳ vọng cho không ít nhà đầu tư. Vào thời điểm này, nhà nước còn thực hiện gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ, thu thập ý kiến để sửa Luật. Bên cạnh đó, khách hàng xem bất động sản là lựa chọn đầu tư hàng đầu và quan tâm mở rộng danh mục đầu tư tại những thị trường mới nổi. Nhìn chung, tính thanh khoản của thị trường khá tốt. Trước tình hình có nhiều tín hiệu vui, chủ đầu tư, doanh nghiệp dịch vụ bất động sản dự kiến sẽ triển khai hàng loạt kế hoạch, nhằm khôi phục hoạt động kinh doanh, phát triển sản phẩm, thị trường, thị phần sau dịch.
Tuy nhiên đến nửa cuối năm, thị trường bất động sản lại không duy trì được đà tăng trưởng kỳ vọng. Thị trường đảo chiều rất nhanh do chịu ảnh hưởng của các yếu tố: căng thẳng Nga – Ukraine, FED, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất; siết pháp lý, tín dụng bất động sản, trái phiếu, giá vật liệu xây dựng tăng… Chính sự cộng hưởng mọi phía khiến cả doanh nghiệp lẫn khách hàng đều khó tiếp cận nguồn vốn vay, đặc biệt với tình trạng này, càng về sau “sức khỏe” của doanh nghiệp càng suy giảm.
"Bài học từ doanh nghiệp từng trải qua nhiều chu kỳ trầm lắng của thị trường cho thấy, doanh nghiệp bất động sản phải có nhiều chiến lược như: tái cấu trúc danh mục đầu tư theo hướng tập trung hóa nguồn lực, đảm bảo đúng tiến độ các dự án đang triển khai; định vị lại sản phẩm, phân khúc, thị trường khi chuyển hướng sang phát triển căn hộ phân khúc trung bình… Chính những chiến lược thích ứng linh hoạt cùng sự chuẩn bị nội lực tốt đã giúp doanh nghiệp phát triển vượt bậc sau khủng hoảng", chuyên gia nhấn mạnh.