Số phận 4 ngân hàng trong diện tái cơ cấu đặc biệt hiện như thế nào?
Ngân hàng Nhà nước vừa báo cáo Quốc hội triển vọng tái cơ cấu 3 ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng Đông Á...
Gửi báo cáo đến cơ quan của Quốc hội phục vụ quá trình thẩm tra về tình hình, kinh tế xã hội trước kỳ hop thứ hai của Quốc hội khóa XV, Ngân hàng Nhà nước có đề cập đến kết quả cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, bao gồm công tác cơ cấu tại 3 ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DAB).
Theo đó, trên cơ sở chủ trương, định hướng của các cấp có thẩm quyền và căn cứ quy định pháp luật, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã tập trung chỉ đạo 3 ngân hàng mua bắt buộc và DAB chủ động, tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng; chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn... trên nguyên tắc quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ.
Ngoài ra, cơ quan này cũng chủ động, kịp thời có ý kiến với các đề xuất, kiến nghị của các nhà đầu tư có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại các ngân hàng, yêu cầu các tổ chức tín dụng tích cực tham gia hỗ trợ, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Hiện tại, nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương phối hợp các bộ, ngành và cơ quan liên quan để hoàn thiện phương án xử lý, cơ cấu lại của Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương theo định hướng mới; tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Dầu khí toàn cầu và DAB xây dựng/hoàn thiện phương án cơ cấu lại để xem xét, đánh giá và trình cấp có thẩm quyền.
Ngoài 4 ngân hàng trên, về cơ bản, các ngân hàng thương mại cổ phần đều bám sát phương án được duyệt, tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh , tăng cường tính minh bạch trong hoạt động.
Đặc biệt, cũng liên quan đến vấn đề cơ cấu và nâng cao chất lượng hệ thống, Ngân hàng Nhà nước xác định 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống, tích cực tham gia hỗ trợ, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần tự nguyện tham gia xử lý 11 Quỹ Tín dụng nhân dân yếu kém, không có khả năng phục hồi và 12 ngân hàng thương mại cổ phần tự nguyện tham gia xử lý Quỹ Tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt.
Riêng đối với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Nhà nước cũng đang chỉ đạo cơ quan trực thuộc, chi nhánh tỉnh, thành phố theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các Quỹ Tín dụng nhân dân trên địa bàn.
Việc triển khai các phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng phi ngân hàng đã phê duyệt được giám sát, trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tập trung chỉ đạo việc xử lý các tổ chúc tín dụng phi ngân hàng có nhiều tồn tại trong hoạt động. Điểm đáng chú ý, một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng thuộc sở hữu của các Tập đoàn, Tổng công ty đang tiếp tục thực hiện cơ cấu lại theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước thông tin, trên cơ sở phân tích thực trạng về tình hình thực hiện và bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng như tác động của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng, cơ quan này đã trình Thủ tướng Chính phủ tổng kết, đánh giá tình hình triển khai Đề án 1058 và đề xuất xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.
“Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện Báo cáo Chính phủ về đề xuất hoàn thiện pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm trên cơ sở thực tiễn áp dụng các quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14. Hiện nay, gân hàng Nhà nước đang xây dựng báo cáo đánh giá tác động đề xuất xây dựng Luật để tiếp tục triển khai, áp dụng trong xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng”, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi lên Quốc hội nêu rõ.