Sơ tán hơn 52 nghìn người dân tránh bão số 3
Cùng với việc cấm biển, tính đến 15 giờ chiều ngày 6/9, các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An đã sơ tán 27.582 người dân tránh trú bão số 3. Kế hoạch từ chiều ngày 6/9 đến sáng ngày 7/9 (trước khi bão đổ bộ) sẽ di dời tiếp 25.185 người trên các lồng bè, chòi canh, khu vực nguy hiểm lên bờ…
Ngày 6/9/2024, hai đoàn công tác của trung ương đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 3. Đoàn số 1 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm trưởng đoàn, đi kiểm tra, chỉ đạo tại Quảng Ninh, Hải Phòng. Đoàn số 2 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đi kiểm tra, chỉ đạo tại Nam Định, Thái Bình.
QUẢNG NINH HUY ĐỘNG GẦN 2.700 CÁN BỘ CÔNG AN, QUÂN ĐỘI CHỐNG BÃO
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, tính đến 3 giờ chiều ngày 6/9, các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An đã sơ tán 27.582 người đi tránh trú bão.
Cụ thể: Quảng Ninh 2.653 người trên lồng bè; Thái Bình 21.510 người trên lồng bè, chòi canh; Ninh Bình 2.685 người ngoài đê biển Bình Minh II + III; Nam Định 734 người trên lồng bè, chòi canh.
Kế hoạch trong chiều, đêm ngày 6/9 đến sáng ngày 7/9, sẽ tiếp tục sơ tán người dân trên các lồng bè, chòi canh, khu vực nguy hiểm thêm 25.185 người, gồm: Quảng Ninh 2.837 người; Hải Phòng 22.348 người.
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết, càng kỹ, càng cụ thể, nhiều phương án chủ động ứng phó sẽ càng giảm tối đa tổn thất, thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân. Tuyệt đối không được có tư tưởng chủ quan".
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Chiều ngày 6/9/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp thị sát, kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 tại Quảng Ninh, Hải Phòng. Tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kiểm tra khu bến neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại thị trấn Cái Rồng (sức chứa 1.000 phương tiện).
Báo cáo với Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết tỉnh đã thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 trên địa bàn, đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành và địa phương chịu trách nhiệm nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ gây thiệt hại về người và tài sản.
Từ 11 giờ ngày 6/9, Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ Đường thủy nội địa, UBND các địa phương ven biển ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi. Đến nay, gần 5.600 tàu cá các loại đã nhận được thông tin về bão, di dời về nơi tránh trú bão an toàn. Hơn 2.800 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển đã thực hiện gia cố, chằng chống, buộc dây đảm bảo an toàn. Ngư dân và người lao động trên cơ sở nuôi trồng thủy sản đã được các địa phương tổ chức di chuyển người lên bờ đảm bảo tuyệt đối không để lại người trên các lồng bè, chòi canh... khi bão đổ bộ.
Các địa phương và lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn đã huy động 2.663 cán bộ, chiến sĩ, 68 ô tô các loại, 18 tàu, 59 xuồng, 6 xe đặc chủng ứng trực tại các địa bàn được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các loại vật tư như: Vải bạt chống sóng, đá hộc, bao tải, rọ thép, dây thép, vải lọc… cho việc gia cố tại những vị trí xung yếu trên tuyến đê.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh khởi động mọi lực lượng, chỉ đạo tập trung, thông tin liên lạc thông suốt, chuẩn bị mọi kịch bản có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ, dù trong tình huống nghiêm trọng nhất. Các cơ quan báo chí, truyền thông tập trung thông tin liên tục, kịp thời về bão số 3 và công tác chuẩn bị ứng phó của các cấp chính quyền, bà con nhân dân.
NAM ĐỊNH, THÁI BÌNH CHUẨN BỊ VẬT TƯ, NHÂN LỰC CHỐNG BÃO
Sáng ngày 6/9, đoàn kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão số 3 - bão Yagi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Nam Định. Đoàn đã đến kiểm tra các khu vực trọng điểm về đê điều, các công trình phòng chống thiên tai, khu neo đậu tàu thuyền, khu công nghiệp trọng điểm như khu công nghiệp Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng); khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão cửa sông Ninh Cơ (huyện Hải Hậu); tuyến đê Cồn Tròn, Hải Thịnh và kè biển Thịnh Long trên tuyến đê biển Hải Hậu.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Nam Định có Bí thư tỉnh ủy Phạm Gia Túc và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Dũng đi cùng đoàn công tác. Ông Trần Anh Dũng cho biết là một tỉnh ven biển, hiện Nam Định có 535,060 km đê, trong đó: đê sông 279,236 Km; đê cửa sông 39,447Km; đê biển 75,161 Km.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Nam Định đã và đang tích cực rà soát hiện trạng toàn hệ thống đê điều và công trình đê điều đang thi công dở dang trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, rà soát lại các phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu; đồng thời kiểm tra việc chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ trên thực tế; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
"Để đảm bảo an toàn cho công trình đê điều, tỉnh Nam Định đã dự trữ vật tư chống bão: Đá hộc 12.488,54m3; đá thu gom 727 m3; cấu kiện thu gom 216m3; rọ thép 1.201 cái; bao nilon 483.800 cái; vải lọc 22.216 m2; vải bạt chống sóng 67.967m2; cấu kiện bê tông 9.742 cái".
Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định.
Hiện tỉnh Nam Định có 71.200 ha lúa mùa, trong đó khoảng 2.700 ha diện tích lúa đã trỗ bông, nguy cơ thiệt hại nếu bão lớn đổ vào. Ngoài ra, diện tích màu đã trồng 8.800 ha, diện tích nuôi trồng thuỷ sản 14.625 ha. Tổng số lồng bè nuôi trồng thuỷ sản trên sông: 292 cái/42 người, đã thông báo về tình hình bão, đang chủ động gia cố thêm.
Trong ngày 6/9, tỉnh Nam Định đã sơ tán toàn bộ 734 lao động ngoài các lều chòi Nuôi trồng thủy sản, các lao động trên các lồng bè vào trong đê hoàn thành trước khi bão đổ bộ; tổ chức sơ tán dân theo các phương án theo các tình huống bão xảy ra trên địa bàn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã thị sát công tác phòng chống bão tại tỉnh Thái Bình vào chiều ngày 6/9. Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cho hay đã nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biên, ngoài khơi từ 5 giờ sáng ngày 6/9/2024. Cùng với đó, di dời các hộ dân sinh sống trong nhà yếu, khu vực nguy hiểm, lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy sản, hải sản và các vùng bãi thấp ven sông, ven biển vào nơi an toàn; đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biên, đ cửa sông. Các công việc này phải hoàn thành trước 18 giờ 0 phút ngày 06/9/2024.
Tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu người dân, các cơ quan khẩn trương chằng chông nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, bến cáng, xí nghiệp, biên hiệu và các lông, bè, trang trại nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản ở trên sông, ven biển.
Về tình hình sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Thái Bình, diện tích lúa mùa toàn tỉnh gieo cấy 74.327 ha, trong đó diện tích lúa Mùa đã trỗ bông khoảng 26.000 ha. Toàn tỉnh có 672 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1.152 bè nuôi (cụ thể: Tiền Hải 1.120 bè, Thái Thụy 32 bè). Toàn tỉnh có 37 trọng điểm xung yếu đê, kè và cống, các trọng điểm đã được lập, phê duyệt phương án bảo vệ và giao cho các địa phương chủ động chuân bị nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương cham "4 tại chỗ", sẵn sàng triển khai xử ýl khi có lệnh yêu cầu hoặc khi có sự cố xảy ra.