Sự cố gối đầu của dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, đã tìm ra nguyên nhân?
Sự cố dịch chuyển gối lệch khỏi đá kê “có tính chất hệ thống” của dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên (TP.HCM), xảy ra vào cuối tháng 10/2020 và đầu tháng 4/2021, sau thời gian phối hợp điều tra liên ngành, đã xác định được các nguyên nhân gây ra...
Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), chủ đầu tư dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên vừa có báo cáo gửi Uỷ ban nhân dân TP.HCM về sự cố gối cầu xảy ra trên tuyến metro này. Hạng mục thuộc gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) của dự án, do liên danh SCC (Sumitomo - Cicenco 6) làm tổng thầu.
BA NGUYÊN NHÂN CỦA CÙNG MỘT SỰ CỐ
Sau hơn một năm phối hợp cùng các đơn vị chuyên ngành điều tra, xác minh từ khi phát hiện gối cầu đầu tiên bị rơi ra ngoài tại trụ P14-10, cho đến sau đó thêm năm gối khác cũng bị xê dịch khỏi vị trí ban đầu. Đồng thời dựa trên kết quả quan trắc định kỳ, báo cáo từ nhà thầu thuộc dự án và tư vấn độc lập tham gia điều tra sự cố, MAUR đã đưa ra kết luận sơ bộ nguyên nhân dẫn đến sự dịch chuyển các gối cầu.
Theo đó gồm các vấn đề về giãn nở do chênh lệch nhiệt độ giữa dầm cầu và đường ray; sai số trong thi công dẫn đến ma sát không bảo đảm giữa bề mặt tiếp xúc của gối với trụ cầu; và chất lượng gối cầu. Đây là 6 trong tổng số 900 mố cầu (vị trí trụ, gối cầu) của toàn tuyến metro số 1.
Ngày 30/10/2020, phần gối cao su của dầm cầu cạn tại trụ P14-10, đoạn gần dốc đi ngàng nhà máy Coca-Cola trên xa lộ Hà Nội, (TP. Thủ Đức) thuộc gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, bị phát hiện rơi ra ngoài.
Sự cố khiến đường ray đã lắp phía trên bị hư, mất liên kết với hệ thống đỡ ở dưới. Bêtông đệm đường ray ở vị trí này cũng bị nứt. Sau hơn một tháng được MAUR yêu cầu làm rõ nguyên nhân, tổng thầu SCC chỉ đưa ra các giải thích cùng nhận định ban đầu được cho là không thuyết phục.
Ngày 10/12/2020, MAUR đã có văn bản gửi Sở Xây dựng, Giao thông Vận tải, Hội Cầu - Đường - Cảng TP.HCM và Đại học Giao thông Vận tải, đề nghị phối hợp điều tra sự cố dầm cầu cạn metro số 1.
Sau đó, vào đầu tháng 4/2021, MAUR lại phát hiện thêm bốn gối cầu nằm ở vị trí trụ P9-05 đoạn cầu cạn VD19 và trụ P11-06 đoạn cầu VD11, thuộc gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) tuyến metro số 1. Các gối bị xê dịch khỏi đá kê 7-11 mm; trong số bốn gối này, có hai gối sản xuất từ nhà máy Megaba (Hàn Quốc), còn lại từ nhà máy Kawakin (Nhật Bản).
Việc liên tục xảy ra sự cố về gối cầu trong thời gian này đã khiến chủ đầu tư MAUR đưa ra nhận định rằng, sự dịch chuyển gối lệch khỏi đá kê “có tính chất hệ thống”.
KHUYẾN NGHỊ CỦA CHỦ ĐẦU TƯ
MAUR đã đưa ra một số khuyến nghị đối với các đơn vị liên quan như tổng thầu và tư vấn. Cụ thể, về thi công, trước nhận định về biện pháp sử dụng các loại dầm đúc sẵn dễ xảy ra sai số, dẫn tới gối không được tiếp xúc hoàn toàn với đáy dầm, đá kê gối..., MAUR cho biết liên danh NJPT (tư vấn chung của dự án) cần nghiên cứu để sớm đưa ra kết luận.
Về vấn đề kỹ thuật, MAUR đồng ý để tổng thầu tiếp tục triển khai thí nghiệm theo yêu cầu của tư vấn độc lập. Dự kiến các thí nghiệm này hoàn thành cuối tháng 11/2021, sau đó đơn vị tư vấn sẽ đánh giá cụ thể và chủ đầu tư đưa ra kết luận cuối cùng.
Hiện nay, tổng thầu SCC đã lắp đặt hệ thống chống xê dịch gối cầu ở nhiều điểm khác (ngoài 6 vị trí bị xảy ra sự cố nói trên), bảo đảm giữ ổn định từng nhịp cầu. SSC cho lắp camera và quan trắc liên tục việc dịch chuyển gối cầu cũng như thay đổi chiều rộng khe co giãn nhằm xử lý kịp thời nếu có bất thường.
Về lý do chậm trễ trong điều tra nguyên nhân và công bố kết luận, sau hơn một năm xảy ra sự cố, MAUR cho biết thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số thí nghiệm cần thiết trên thực tế hiện trường chưa thể tiến hành hoặc bị chậm lại. Về phía tổng thầu SCC, MAUR cho rằng trong thời gian lúc mới phát hiện sự cố, liên danh nhà thầu này chậm trễ trong việc phối hợp thực hiện, điều tra nguyên nhân sự cố.
Dự án metro số 1 Bến Thành – Suối tiên có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài 19,7 km, có 14 ga, gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao. Tuyến metro số 1 có lộ trình đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và Dĩ An (Bình Dương). Dự án hiện đã hoàn thành được 88% tổng khối lượng, riêng gói thầu CP2 đạt gần 92%.
Dự án dự kiến được đưa vào khai thác thương mại trong năm 2022. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát dữ dội trong thời gian qua nên việc huy động nhân sự (trong và ngoài nước) tiếp tục bị ảnh hưởng đến các gói thầu thi công, thiết bị. MAUR cho biết, dự kiến phải cuối năm 2023, đầu năm 2024 mới hoàn thành. Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội.