Sửa Luật Đầu tư công: Tháo gỡ điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết việc sửa Luật Đầu tư công sẽ giúp giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế thông qua việc tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn trong triển khai các dự án đầu tư công…
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét và cho ý kiến. Dự thảo Luật gồm gồm 07 Chương, 109 Điều (sửa đổi 44 điều, trong đó có 16 điều chỉ sửa đổi, bổ sung từ ngữ nhằm quy định rõ, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai, không làm thay đổi nội hàm chính sách so với Luật Đầu tư công năm 2019; bổ sung 15 điều; bãi bỏ 07 điều), với các nội dung chủ yếu để cụ thể hóa 05 nhóm chính sách lớn.
Bao gồm: (i) Nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; (ii) Nhóm chính sách về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; (iii) Nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; (iv) Nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài và (v) Nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục cũng như làm rõ các khái niệm, thuật ngữ nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì xây dựng luật, Luật sửa đổi lần này sẽ khắc phục được bài toán “có tiền mà không tiêu được”, đùn đẩy trách nhiệm và tránh tạo cơ chế xin -cho… trong triển khai các dự án đầu tư công thời gian qua.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, với tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục dự án, chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm và đơn giản hóa quy trình để khai thác tối đa các nguồn lực, nâng cao chất lượng dự án đặc biệt là các dự án trọng điểm về xây dựng kết cấu hạ tầng… nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn mới.
ĐẨY MẠNH PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN
Cụ thể hơn, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, tư duy sửa luật lần này có sự đột phá hơn trước rất nhiều khi tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho trong việc triển khai dự án đầu tư.
“Luật thiết kế nhiều quy định rất cởi mở để kiến tạo sự phát triển nhưng cũng thuận cho quản lý, tránh tình trạng “thả gà ra đuổi”. Đây là điểm đột phá của Dự luật lần này thay vì như trước làm luật theo kiểu “không quản được thì cấm”, vừa bó buộc lại vừa không hiệu quả”, ông Phương cho biết.
Theo quy định hiện hành, thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực tiễn cho thấy, thời gian để xử lý toàn bộ quy trình điều chỉnh mất nhiều thời gian (trung bình mất khoảng 5 - 6 tháng để thực hiện 6 bước). Điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai thực hiện dự án; chưa đáp ứng được nhu cầu, tính cấp bách của việc điều chỉnh trong một số trường hợp, đối với một số bộ, cơ quan, địa phương và một số dự án.
Vì vậy, Dự luật lần này đề xuất điều chỉnh quy định này theo hướng phân quyền cho Thủ tướng Chính phủ thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Việc phân cấp thẩm quyền quyết định điều chỉnh kế hoạch trung hạn và hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ sẽ cắt giảm trình tự, thủ tục (rút ngắn 3 bước, giảm thời gian 2-3 tháng), tạo sự chủ động cho Thủ tướng Chính phủ trong điều hành, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có căn cứ để thực hiện, qua đó đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Ngoài ra, Dự thảo luật cũng đề xuất chuyển quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách trung ương, các khoản vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ Quốc hội sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lý giải về đề xuất này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng thời gian để thực hiện quy trình báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định sẽ mất từ 6-8 tháng, đồng thời phải đến kỳ họp Quốc hội mới có thể báo cáo, do đó ảnh hưởng đến tính kịp thời trong việc bố trí nguồn lực.
Dự thảo luật cũng nâng quy mô dự án trọng điểm quốc gia lên mức từ 30.000 tỷ đồng trở lên và quy mô của dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C sẽ tăng tương ứng gấp 2 lần so với quy định hiện hành. Điều này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để phù hợp với quy mô GDP của Việt Nam giai đoạn 2014-2024 (tăng 2,1 lần cũng như có các yếu tố trượt giá).
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do cấp mình quản lý. Điều này sẽ giúp giảm bớt trình tự, thủ tục và thời gian thực hiện; tăng cường trách nhiệm UBND, nhất là người đứng đầu trong việc quyết định và bảo đảm hiệu quả dự án.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHUẨN BỊ ĐẦU TƯ
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa luật lần này là nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư thông qua việc mở rộng chủ thể quản lý và thực hiện dự án đầu tư công; khai thác năng lực đề xuất, quản lý và thực hiện dự án…
Hiện nay, luật quy định vốn chuẩn bị đầu tư phải được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch trong kế hoạch trung hạn và hàng năm từ nguồn chi đầu tư phát triển, cho nên chưa huy động được hết các nguồn lực và ảnh hưởng đến yêu cầu, tiến độ, tính sẵn sàng trong công tác chuẩn bị đầu tư dự án. Thực tiễn triển khai đã phát sinh một số vướng mắc trong việc giao kế hoạch vốn đầu tư công cho doanh nghiệp nhà nước để thực hiện dự án (ví dụ như dự án điện Côn Đảo), phải báo cáo Quốc hội. Để đáp ứng yêu cầu triển khai các dự án đầu tư công quy mô lớn trong thời gian tới, có thể phát sinh yêu cầu giao doanh nghiệp nhà nước thực hiện dự án đầu tư công.
Do vậy, Bộ Kế hoạch đề xuất sửa đổi theo hướng cho phép ngoài sử dụng nguồn đầu tư phát triển thì được sử dụng thêm nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương cho công tác chuẩn bị đầu tư nhằm tạo sự sẵn sàng, chủ động trong thực hiện các hoạt động chuẩn bị đầu tư. Việc sửa đổi này để Thủ tướng Chính phủ có căn cứ pháp lý và chủ động giao doanh nghiệp nhà nước là cơ quan chủ quản thực hiện dự án, phát huy năng lực thực hiện và nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao.
Liên quan đến nguồn vốn ODA, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết theo quy định hiện hành, dự án phải trải qua “rừng” thủ tục mới được phê duyệt. “Do vậy, từ đầu năm tới nay, giải ngân vốn ODA rất thấp, nhiều dự án còn phải làm đi làm lại thủ tục dù chỉ điều chỉnh một điểm nhỏ nên vẫn chưa thể triển khai”, ông Phương nhấn mạnh.
Để tháo gỡ nút thắt này, Dự thảo luật đề xuất các quy định cụ thể theo hướng đơn giản hóa nội dung Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề xuất dự án, điều kiện điều chỉnh Đề xuất dự án; xác định rõ trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Đề xuất dự án, độc lập với báo cáo đánh giá tác động nợ công của Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Qua đó, giúp tăng tính linh hoạt, chủ động của cơ quan chủ quản trong thực hiện và điều chỉnh Đề xuất dự án; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan để Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ.