Sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam
Việt Nam hiện đã tham gia và ký kết 16 FTA, trong đó có nhiều FTA đã cam kết về ô tô nguyên chiếc và có lộ trình đến năm 2030 giảm thuế nhập khẩu của xe ô tô nguyên chiếc về 0%. Quá trình thực thi các FTA sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức và sức ép lớn cho các doanh nghiệp trong nước.
Cơ hội và thách thức
Các FTA có nhiều lợi ích, trong đó giúp cắt giảm chi tiêu bởi thông thường Chính phủ bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước thông qua các khoản trợ cấp như ưu đãi thuế, hoàn tiền.
Đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, FTA giúp tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh, các doanh nghiệp sẽ phải tìm ra những giải pháp đổi mới để thích ứng và tồn tại. Với người tiêu dùng, người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn khi các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia khác được miễn giảm thuế tràn vào thị trường. Mức cạnh tranh cao cũng sẽ khiến giá thành sản phẩm giảm và dễ tiếp cận hơn.
Đối với người lao động, FTA cũng đem đến một môi trường làm việc an toàn hơn, bởi an toàn lao động thường là một trong những vấn đề ưu tiên trong hiệp định này. FTA sẽ tạo cơ hội cho các tập đoàn đa quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp sở tại tiếp cận các công nghệ mới nhất trong ngành. Đặc biệt, khi FTA giúp hạ bớt những rào cản, doanh nghiệp sẽ muốn đầu tư ra nước ngoài, qua đó các doanh nghiệp sở tại sẽ hưởng lợi từ mức đầu tư cao hơn.
Hiện đối với các nước trong khối ASEAN, ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu Việt Nam từ các nước thành viên nội khối ASEAN đạt tỉ lệ nội địa hóa trên 40% sẽ tiếp tục được miễn thuế nhập khẩu thêm 5 năm nữa đến năm 2027. Việc xe nhập khẩu từ các quốc gia trong khối ASEAN tiếp tục có mức thuế 0% sẽ gây áp lực không nhỏ đến doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước.
Trong quan hệ với Hàn Quốc, theo Nghị định số 125/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều mặt hàng linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng được áp thuế suất 0% kể từ năm 2022. Với hiệp định FTA giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA), hay Việt Nam với Vương quốc Anh - Bắc Ireland (UKVFTA) thì thuế nhập khẩu giảm dần từ năm 2022 đến năm 2027 theo lộ trình.
Thực tế, khi cam kết bỏ thuế xuất nhập khẩu từ các nước ASEAN, nhiều sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đã đối mặt với thách thức đó là không đủ sức cạnh tranh đối với sản phẩm đến từ các quốc gia ASEAN như Thái Lan và Indonesia và các sản phẩm nhập khẩu đã lấn át.
Trong khi đó, đa phần các doanh nghiệp Việt xét về quy mô, phần lớn chỉ ở mức nhỏ và vừa, chính vì vậy khi tham gia sân chơi FTA, doanh nghiệp Việt đứng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa nhập khẩu ồ ạt vào thị trường nội địa nhờ ưu đãi thuế quan.
Vẫn còn nhiều cơ hội từ các FTA bị bỏ lỡ khi doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được tối đa lợi ích từ các FTA. Nguyên nhân được chỉ ra là do thiếu thông tin về những quy định của các FTA. Ngoài ra, ngay chính bản thân nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thật sự quan tâm đến các FTA khi tự coi không phải là sân chơi của mình.
Khi có các FTA, các địa phương cũng đã có các biện pháp truyên truyền tới các doanh nghiệp tiếp cận các quy định của mới của FTA, nhưng những hỗ trợ này mới chỉ áp dụng chung cho tất cả các ngành, chưa đi sâu vào cụ thể vào những ngành nghề mang tính chiến lược cần tận dụng FTA, đặc biệt là những ngành đặc thù như ngành công nghiệp ô tô.
Phương án cho doanh nghiệp Việt
Với sức ép ngày càng lớn từ các doanh nghiệp ngoại đang vào Việt Nam, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp trong nước thay vì phân mảnh, cần bắt tay hợp tác với nhau để tạo nên sức mạnh nội tại là một phương án tốt để cạnh tranh với các đối thủ từ nước ngoài được ưu đãi thuế.
Tiếp đến, theo chiến thuật “biết người biết ta”, các doanh nghiệp tại ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam cần nghiên cứu kỹ các cam kết FTA cụ thể, lên sẵn kịch bản để có thể lợi dụng các thế mạnh của FTA và có kế sách phù hợp.
Bên cạnh sự nỗ lực từ chính các doanh nghiệp thì Chính phủ Việt Nam cũng cần có sự hỗ trợ riêng, như xây dựng và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô.
Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã phát đi Dự thảo Đề cương Chiến lược phát triển các ngành ô tô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân, dự kiến đến tháng 6 tới, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện Dự thảo lần 1, sau đó tiếp tục chỉnh sửa để hoàn thiện; tháng 9/2024 sẽ báo cáo Bộ trưởng trình Thủ tướng phê duyệt.
Cụ thể, mục tiêu của chiến lược đó là đề xuất được các định hướng phát triển và các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó xác định được một số chỉ tiêu như: Chỉ tiêu về sản phẩm, sản lượng; Chỉ tiêu tiêu về thị phần xe sản xuất trong nước; Chỉ tiêu về xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; Định hướng phát triển các dòng xe theo hướng xanh và tiết kiệm năng lượng, thay thế các dòng xe sử dụng nguyên liệu hóa thạch; Định hướng tăng thị phần sản phẩm ô tô sản xuất trong nước nhằm từng bước thay thế sản phẩm nhập khẩu; Định hướng về công nghệ sản xuất và phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; Định hướng xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ngành ô tô.
“Trong nguy có cơ” nên các chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam cần chú trọng phát triển nghiên cứu chuyên sâu và sản xuất ô tô ở ba vùng lớn của đất nước bao gồm Bắc, Trung, Nam (cụ thể là tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh). Các loại thuế phí liên quan cũng cần giữ ổn định và giảm khi cần thiết để kích cầu góp phần hồi phục thị trường trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.
Ngoài ra, các thị trường mà Việt Nam đã ký các FTA đều có tiêu chuẩn cao, khoảng cách địa lý cũng là vấn đề, vì vậy cơ hội xuất khẩu sẽ chỉ có thể thành hiện thực nếu doanh nghiệp phải nâng cao sức cạnh tranh, gia nhập mạng lưới cung ứng trong lĩnh vực ô tô, xe máy và tăng cường đổi mới công nghệ.