Sức ép ngắn hạn tăng đột ngột, VN-Index “phòng ngự” tốt tại mốc 1240 điểm
Một nhịp ép giá mạnh xuất hiện trong phiên chiều nay đẩy VN-Index cắm đầu giảm tới tận 1246,97 điểm trước khi hồi lên về cuối. Ảnh hưởng từ các trụ ở nhọp rơi này rất rõ, tạo sức ép tâm lý thoát hàng ở rất nhiều cổ phiếu khác, khiến tại đáy số mã giảm giá nhiều gấp 4 lần số tăng…
Một nhịp ép giá mạnh xuất hiện trong phiên chiều nay đẩy VN-Index cắm đầu giảm tới tận 1246,97 điểm trước khi hồi lên về cuối. Ảnh hưởng từ các trụ ở nhọp rơi này rất rõ, tạo sức ép tâm lý thoát hàng ở rất nhiều cổ phiếu khác, khiến tại đáy số mã giảm giá nhiều gấp 4 lần số tăng…
Diễn biến lao dốc này rất nhanh và thuần túy ảnh hưởng bởi cung cầu mà hoàn toàn không có thông tin bất ngờ nào. Biên độ tới gần 12 điểm tương đương 0,95% không phải là hẹp, nhất là khi thời gian chỉ trong khoảng 30 phút.
Rất nhiều cổ phiếu chịu tác động giảm giá ở giai đoạn này, nhưng blue-chips là các mã ảnh hưởng lớn nhất: BID giảm tối đa 1,29%, FPT giảm tối đa 1,58%, GVR giảm 3,08%, VIC giảm 1,46%... VN30-Index giảm sâu nhất chỉ mất 0,5% so với tham chiếu nhưng rổ này tại đáy có 4 mã giảm trên 2% và 12 mã khác giảm trong biên độ 1% -2%. Mở rộng ra toàn sàn HoSE, tại đáy, có tới 148 cổ phiếu giảm trên 2% và 80 mã khác giảm trong biên độ 1%-2%.
Các thống kê nói trên cho thấy cường độ của nhịp rung lắc này tuy không phản ánh rõ ở chỉ số VN-Index hay VN30-Index nhưng đối với cổ phiếu thì khá sốc. Diễn biến này cũng tạo sức ép rất mạnh lên các nhà đầu cơ ngắn hạn còn đang lưỡng lự. VN-Index hai phiên trước đã phục hồi chớm vượt qua ngưỡng 1240 điểm nhưng vẫn chưa rõ chỉ là nhịp hồi kỹ thuật kiểm định ngưỡng hỗ trợ cũ hay thực sự chạm đáy. Nhịp giảm chiều nay đẩy chỉ số rơi trở lại xuống dưới 1240 điểm làm gia tăng rủi ro thị trường quay lại xu hướng giảm. Điều này lý giải hiện tượng cổ phiếu giảm giá sâu trên diện rộng.
Tuy nhiên lực cầu cũng bộc lộ sức mạnh khá rõ ở nhịp rung lắc này. Thanh khoản sàn HoSE phiên chiều tăng gần 49% so với buổi sáng, đạt hơn 7.522 tỷ đồng, cao nhất 5 phiên. Nếu tính cả HNX, giao dịch hai sàn tăng 48,5% đạt 8.105,3 tỷ đồng. Thanh khoản tăng do cả một đợt bán tháo xuất hiện và dòng tiền vào mua.
Hiệu ứng phục hồi giá cũng khá tích cực: VN-Index quay đầu tăng về cuối, đóng cửa chỉ còn giảm 1,54 điểm (-0,12%) từ mức đáy giảm gần 12 điểm (-0,95%). VN30-Index chốt phiên còn tăng 0,16%. Đặc biệt là độ rộng: Tại đáy VN-Index chỉ có 87 mã tăng/348 mã giảm nhưng kết phiên là 154 mã tăng/267 mã giảm. Hơn 49% số cổ phiếu có phát sinh giao dịch trên HoSE hôm nay đạt mức phục hồi từ 1% trở lên so với giá đáy.
Mặc dù cuối phiên độ rộng vẫn nghiêng về phía giảm, nhưng trạng thái giằng co đã là một kết quả rất khả quan của phiên này. Áp lực chốt lời ngắn hạn thậm chí đã có thể ép giá giảm sâu đến cuối ngày, nhưng cả trăm cổ phiếu vẫn đảo chiều được, chưa kể hàng trăm mã phục hồi thoát đáy, thể hiện có dòng tiền vào hấp thụ.
Nhóm giảm giá trên 1% hôm nay chiếm khoảng 29% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE và cũng có nhiều mã có lực xả lớn. VIX giảm 5,04%, DBC giảm 6,96%, NTL giảm 2,18%, PDR giảm 2,81%... là các đại diện xuất hiện thanh khoản hàng trăm tỷ đồng. Nhóm thanh khoản ít hơn như LDG, HBC, CMX, SMC, TDC, HNG, ITC… giảm cực mạnh.
Phía tăng giá cũng chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt. Do tại đáy giá cổ phiếu giảm khá sâu nên nhịp hồi tuy đưa cả trăm mã vượt tham chiếu thì biên độ tăng so với mức này cũng chưa nhiều. Trong 154 mã xanh cuối ngày, chỉ 45 mã tăng được hơn 1%. MBB, MWG, NVL, PVT là những cổ phiếu có thanh khoản cao. Nhóm VTO, NAB, HAX, GSP, EVG, VIP… cũng đạt biên độ đảo chiều rộng dù thanh khoản khá hạn chế. Riêng với nhóm blue-chips, VIC, TCB, MBB cũng quay đầu tăng mạnh và kéo VN-Index lên.
Chỉ số phục hồi đóng cửa tại 1245,06 điểm, tuy vẫn dưới tham chiếu nhưng đã kiểm định thành công ngưỡng 1240 điểm. Những nhà đầu tư “yếu tim” nhất khả năng cao bị sức ép tâm lý và chốt lời ở nhịp giảm nhanh chiều nay. Đây là một tác động thường thấy trong các nhịp rung lắc như vậy.