Suy giảm xuất nhập khẩu của TP.HCM có thể kéo dài hết năm 2023 do doanh nghiệp thiếu đơn hàng
Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của TP.HCM đã giảm hơn 22%. Dự kiến, tình trạng này có thể kéo dài đến hết năm 2023…
Kim ngạch cả 2 chiều xuất nhập khẩu của TP.HCM đã giảm hơn 22% trong những tháng đầu năm 2023 do nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, tác động từ việc giảm tiêu dùng trên toàn thế giới.
TIẾP TỤC KHÓ KHĂN
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin hoạt động ngành công thương thành phố trong quý 2/2023 và nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong quý 3/2023, diễn ra chiều 18/7/2023, đại diện Sở Công thương TP.HCM, cho biết kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 19,42 tỷ USD, giảm 22,4% so cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng ước đạt 25,5 tỷ USD, giảm 24,2% so cùng kỳ. Dự kiến, tình trạng này có thể kéo dài đến hết năm 2023.
Theo lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM, nguyên nhân dẫn đến kim ngạch xuất nhập khẩu giảm do tình hình kinh tế thế giới chịu tác động mạnh mẽ từ các xung đột địa chính trị, lạm phát toàn cầu tăng cao dẫn đến xu hướng tiêu dùng giảm tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng.
Thực tế khó khăn trên dẫn đến nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, trong khi đó các đơn hàng từ thị trường thế giới giảm dần, kim ngạch xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2023, ngành công thương TP.HCM vẫn có 3 “điểm sáng”.
Thứ nhất, các chỉ số phát triển ngành dần được cải thiện, cụ thể: Lũy kế tháng sau tăng cao hơn tháng trước: lĩnh vực công nghiệp (IIP tháng 1 giảm 15%, 2 tháng giảm 2,5%, 3 tháng giảm 0,9%, 4 tháng tăng 1,4%, 5 tháng tăng 1,6% và 6 tháng ước tăng 1,9%).
Thứ hai, sự phục hồi sản xuất kinh doanh đến từ vai trò dẫn dắt của các ngành, lĩnh vực chủ lực như: 4 ngành công nghiệp trọng điểm với sản lượng công nghiệp 6 tháng ước tăng 4,5% so cùng kỳ. Doanh thu bán lẻ tăng 9,7% so cùng kỳ, quy mô chiếm gần 60% mức doanh thu thương mại - dịch vụ trên địa bàn thành phố.
Thứ ba, sự phục hồi tăng trưởng của các ngành, đặc biệt sau cú sốc của đại dịch Covid-19 thể hiện tính bền vững do môi trường vĩ mô luôn ổn định; sức cạnh tranh của doanh nghiệp dần được cải thiện; đặc biệt là thị trường hàng hóa của hơn 10 triệu dân thành phố còn sức hấp dẫn.
HẠN CHẾ TĂNG GIÁ THEO LƯƠNG
Theo Sở Công Thương TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố ước đạt 555.668 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng ước đạt 330.686 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ, chiếm gần 60% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết thành phố đang triển khai nhiều chương trình bình ổn, giảm giá khuyến mãi sâu để hạn chế tình trạng tăng giá hàng hóa theo tăng lương.
“Hiện trên thực tế, một số tiểu thương vẫn tăng giá hàng hóa, bởi giá cả các mặt hàng ở chợ phụ thuộc lượng hàng thương nhân chuẩn bị trong ngày và phụ thuộc khách hàng mua sắm vào từng thời điểm. Vì vậy, để kìm giá cả hàng hóa không tăng theo giá lương, ngay từ những tháng đầu năm 2023, thành phố đã triển khai hàng loạt hoạt động bình ổn giá để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động bán lẻ, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Ðiều này góp phần ngăn chặn “làn sóng” tăng giá khi lương tăng và làm vơi bớt phần nào nỗi lo cho người dân”, ông Phương nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, dự báo nhu cầu mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người dân tăng lên tiềm ẩn khả năng giá cả hàng hóa tăng giá, nguy cơ lạm phát bùng phát.
Ðể ngăn ngừa tình trạng này, thành phố cần chủ động thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Trong đó, bảo đảm cung ứng nguồn hàng hóa dồi dào, cân đối cung - cầu thị trường; ngăn chặn tình trạng găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; kiểm soát việc kê khai, niêm yết giá công khai tại các điểm bán lẻ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá cả hàng hóa, dịch vụ.
TP.HCM đã triển khai chương trình khuyến mại tập trung năm 2023 được tổ chức trong ba tháng, kéo dài đến hết ngày 15/9/2023. Chương trình có sự tham gia của khoảng 3.000 doanh nghiệp, hơn 7.000 hoạt động khuyến mãi.
Các nhà bán lẻ triển khai hàng loạt chương trình giảm giá dành cho nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất là sản phẩm lương thực, thực phẩm; nhằm hỗ trợ, san sẻ một phần gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng.
Ngoài ra, từ ngày 1/7 đến 31/12/2023, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%, từ mức 10% xuống còn 8% của Chính phủ chính thức được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ. Ðiều chỉnh này góp phần giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, giảm giá bán và giảm chi phí trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ hằng ngày.