Tài xế Grab gặp nhiều khó khăn khi chuyển sang ô tô điện
Phó chủ tịch tiếp thị và phát triển bền vững của tập đoàn Grab cho biết, hầu hết các tài xế ô tô tư nhân hiện nay không thể và không muốn thực hiện chuyển đổi sang xe điện.
Theo Bộ trưởng Giao thông Singapore S. Iswaran, đây là một dấu hiệu cho thấy các biện pháp khuyến khích tài chính nhằm giảm chi phí mua ô tô điện và nỗ lực tăng mạng lưới sạc điện đang có kết quả. Ông cho biết việc áp dụng xe điện (EV) sẽ tăng tốc khi nhiều bộ sạc xe điện được triển khai trên khắp hòn đảo và nhiều tài xế quen với ý tưởng lái xe điện hơn.
Singapore đặt mục tiêu loại bỏ tất cả các loại xe ô tô động cơ đốt trong vào năm 2040, với các loại xe điện chạy bằng pin để tạo thành phần lớn dân số phương tiện giao thông. Ngành công nghiệp cho biết rằng việc chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang động cơ điện giúp giảm một nửa lượng khí thải carbon và điều này có thể còn nhiều hơn nữa với tỷ lệ ngày càng tăng của các nguồn năng lượng tái tạo được sử dụng trong sản xuất điện.
Tuy nhiên, hiện tại, ô tô điện mới chỉ chiếm khoảng 1% đến 3% tổng số ô tô cá nhân ở Singapore. Bên cạnh việc thiếu cơ sở hạ tầng sạc, giá cả và thiết kế hiện tại của xe điện vẫn không phù hợp với nhu cầu của một bộ phận lớn người lái xe. Đặc biệt, các tài xế Grab gặp nhiều khó khăn khi chuyển sang ô tô điện.
Trong một cuộc thảo luận về việc giảm lượng khí thải ô tô, Cheryl Goh, Phó chủ tịch tiếp thị và phát triển bền vững của tập đoàn Grab cho biết hầu hết các tài xế ô tô tư nhân hiện nay không thể và không muốn thực hiện chuyển đổi sang xe điện.
Grab, nhà điều hành ứng dụng chia sẻ xe lớn nhất ở Singapore, có gần 5 triệu tài xế và người đi giao hàng ở Đông Nam Á. Lãnh đạo Grab nói rằng: “Những người lái xe của chúng tôi thường thuộc tầng lớp dưới trung lưu và đối với họ, một chiếc xe không phải là một món đồ xa xỉ hay một biểu tượng địa vị, mà là một phương tiện để họ có thể kiếm thu nhập. Vì vậy, các tài xế của chúng tôi rất nhạy cảm với các chi phí liên quan đến xe cộ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến số tiền họ có thể mang về cho gia đình".
Bà Goh cho biết, tổng chi phí sở hữu một chiếc xe điện vẫn cao hơn 82% so với việc sở hữu một chiếc xe bốn bánh, động cơ đốt trong tương đương trong khu vực.
Khoảng thời gian cần thiết để sạc pin ô tô điện cũng là một mối quan tâm chính, vì nó “ăn lẹm” vào thời gian mà người lái xe có thể dành cho việc đón khách trên đường.
"Các tài xế của chúng tôi lái xe lâu hơn rất nhiều so với một tài xế bình thường. Họ lái 230km một ngày chỉ riêng ở Singapore, và con số đó nhiều hơn gấp bảy lần so với những người lái xe bình thường", bà nói. "Vì họ thường xuyên phải sạc và thường xuyên phải suy nghĩ về quãng đường đi được, nên sự lo lắng về phạm vi lái của ô tô điện là có thật và là điều gì đó thực sự khiến họ phải suy nghĩ về việc có nên chuyển sang xe điện hay không".
Bà nói thêm rằng công ty đang thử nghiệm một số sáng kiến để tiếp tục thúc đẩy sự chuyển dịch sang các phương tiện sạch hơn, bao gồm cả việc hợp tác với các ngân hàng để tài trợ việc bán xe điện cho người lái xe ở Thái Lan và thí điểm thay pin 1-1 để giảm thiểu thời gian sạc pin cho người lái xe ở Indonesia .
Tại Singapore, hãng đã tung ra tùy chọn JustGrab Green để cho phép hành khách gọi xe hybrid hoặc xe điện nếu họ muốn mà không phải trả thêm phí.
"Cuối cùng, nếu các tài xế nhận ra rằng người tiêu dùng sẽ lựa chọn và ưu tiên xe điện hoặc xe năng lượng sạch hơn và họ thu được nhiều tiền hơn, thì điều đó chắc chắn sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi", đại diện Grab cho biết.
Trong bài phát biểu của mình, ông Iswaran cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển nhiều người đi làm từ ô tô cá nhân sang phương tiện công cộng, điều mà Chính phủ đang thực hiện bằng cách mở rộng mạng lưới MRT từ 250km lên 360km trong 10 năm tới để tăng tỷ lệ chuyến đi trên phương tiện công cộng.
Bộ Giao thông ước tính rằng lượng khí thải carbon của một hành trình có thể giảm 85% nếu mọi người chuyển từ lái ô tô động cơ đốt trong sang đi tàu điện ngầm. Giao thông đường bộ chiếm khoảng 14% tổng lượng khí thải của đất nước.