Tập đoàn xa xỉ Capri Holdings thất vọng với kết quả kinh doanh ảm đạm
Doanh thu của Capri Holdings - tập đoàn xa xỉ sở hữu các thương hiệu Michael Kors, Versace và Jimmy Choo - tiếp tục giảm vào quý 4, năm tài chính 2024 (tính từ 1/4/2023 đến 30/3/2024), theo báo cáo tài chính mới được tập đoàn này công bố vào thứ 4 vừa qua...
Trong báo cáo kết quả tài chính quý 4 năm tài chính 2024, tập đoàn Capri cho biết tổng doanh thu đạt 1,223 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh số bán lẻ của công ty giảm ở mức trung bình một chữ số, phản ánh nhu cầu đối với hàng thời trang xa xỉ trên toàn cầu đang suy yếu. Ở mảng bán buôn, doanh thu giảm mạnh ở mức hai chữ số do nhu cầu giảm tại khu vực Châu Mỹ và EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi).
Xu hướng doanh thu giảm sút diễn ra tại tất cả các thương hiệu trực thuộc tập đoàn. Doanh số bán hàng của Michael Kors đạt 3,5 tỷ USD, giảm so với mức 3,88 tỷ USD của năm trước. Doanh thu của hãng đạt 822 triệu USD, giảm 9,7% theo tỷ giá hạch toán và 9,2% theo tỷ giá cố định. Thương hiệu Versace đạt hơn 1 tỷ USD lợi nhuận, giảm so với mức khoảng 1,1 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, Jimmy Choo ghi nhận doanh thu 618 triệu USD, giảm 15 triệu USD so với mức 633 triệu USD của năm trước đó. Nguyên nhân được cho là do nhu cầu toàn cầu đối với hàng thời trang xa xỉ đang suy yếu.
Ông John D. Idol, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành của Capri, cho biết: "Nhìn chung, chúng tôi thất vọng về kết quả kinh doanh của tập đoàn khi hoạt động của quý 4 tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự suy yếu của nhu cầu toàn cầu đối với thời trang xa xỉ. Kênh bán lẻ của chúng tôi ghi nhận sự cải thiện doanh số theo từng quý tại khu vực Châu Mỹ và EMEA, trong khi xu hướng bán hàng tại châu Á đang chậm lại. Mảng bán buôn của tập đoàn vẫn đang gặp khó khăn."
Dù vậy, vẫn có những điểm sáng tích cực. Ông Idol cũng cho biết thêm: “Versace, Jimmy Choo và Michael Kors vẫn tiếp tục đồng điệu với người tiêu dùng, bằng chứng là đã có thêm 11 triệu khách hàng mới được thêm vào cơ sở dữ liệu của chúng tôi, tăng 14% so với năm ngoái. Điều này thể hiện giá trị thương hiệu mạnh mẽ và giá trị lâu dài của ba thương hiệu xa xỉ mang tính biểu tượng của chúng tôi. Trong tương lai, chúng tôi vẫn tập trung vào việc thực hiện các sáng kiến trong chiến lược của mình nhằm mang lại sự tăng trưởng bền vững lâu dài cho các thương hiệu trực thuộc tập đoàn.”
Những con số về doanh thu đáng thất vọng được công bố cùng thời điểm xảy ra nhiều nghi vấn xoay quanh việc tập đoàn kinh doanh xa xỉ Tapestry Inc. mua lại Capri Holdings với giá 8,5 tỷ USD. Thỏa thuận hợp tác tiềm năng này sẽ đưa Coach, Kate Spade và Stuart Weitzman - những thương hiệu trực thuộc Tapestry - về cùng một nhà với Michael Kors, Versace và Jimmy Choo.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) phản đối. FTC đã đưa ra tuyên bố về thương vụ sáp nhập trong một văn bản: "Nếu được chấp thuận, thỏa thuận này sẽ loại bỏ sự cạnh tranh trực tiếp giữa các thương hiệu của Tapestry và Capri. Nó cũng sẽ cung cấp cho Tapestry một thị phần thống trị trong thị trường túi xách 'xa xỉ bình dân' - một thuật ngữ do Tapestry đặt ra để mô tả những chiếc túi xách được chế tác thủ công với chất lượng da tốt và mức giá phải chăng."
John D. Idol đã đề cập đến thương vụ sáp nhập với Tapestry và việc FTC đã đệ đơn kiện "chưa từng có tiền lệ" vào tháng 4 để ngăn chặn thương vụ này. Ông Idol "cực kỳ phản đối" quyết định của FTC và "tin tưởng chắc chắn vào những ưu điểm của thương vụ sáp nhập này", đồng thời cho biết: "Thực tế thị trường, điều mà chính phủ bỏ qua, đã chứng minh rõ ràng rằng thương vụ này sẽ không giới hạn, giảm bớt hoặc hạn chế cạnh tranh".
Ông Idol bổ sung thêm rằng Tapestry và Capri hoạt động trong “ngành công nghiệp thời trang xa xỉ toàn cầu có tính cạnh tranh rất khốc liệt và nhiều phân khúc khác nhau. Người tiêu dùng có hàng trăm lựa chọn túi xách ở mọi mức giá, trên mọi các kênh phân phối." Theo Idol, rào cản gia nhập thị trường thấp càng làm suy yếu lập luận của FTC chống lại thương vụ sáp nhập.
Thương vụ Tapestry mua lại Capri Holdings được các chuyên gia trong ngành đánh giá là một nước đi mạo hiểm. Một nhà phân tích thị trường thời trang cảnh báo rằng khủng hoảng chi phí sinh hoạt có thể ảnh hưởng đến đối tượng khách hàng mục tiêu của Tapestry.
Theo nhà phân tích thị trường thời trang Louise Deglise-Favre thuộc GlobalData, thương vụ mua lại Capri Holdings của Tapestry có thể được hiểu là nỗ lực tạo ra một đối thủ cạnh tranh của Mỹ đối với các ông lớn thời trang xa xỉ châu Âu như LVMH và Kering, vốn đang thống trị thị trường này trên toàn thế giới.
Sau khi thỏa thuận hoàn tất, Tapestry dự kiến doanh thu hàng năm của cả 6 thương hiệu sẽ vượt quá 12 tỷ USD. Tuy nhiên, ngay cả khi thương vụ hoàn thành vào năm sau, Tapestry vẫn sẽ có thị phần nhỏ hơn đáng kể so với LVMH, tập đoàn sở hữu 14 thương hiệu với doanh thu hàng năm lên tới 79,2 tỷ EUR (tương đương 86,58 tỷ USD) trong năm 2022.
Deglise-Favre lưu ý thêm, các thương hiệu của Tapestry tập trung nhiều hơn vào phân khúc "xa xỉ bình dân" so với các đối thủ cạnh tranh. Do đó, nhóm khách hàng mục tiêu này dễ bị ảnh hưởng hơn bởi tình trạng chi phí sinh hoạt leo thang, khiến mảng này đối mặt với nhiều rủi ro hơn khi chi phí tăng cao tiếp tục tác động đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Nhà phân tích Deglise-Favre nhìn nhận trong khi Versace và Jimmy Choo đã ghi nhận phản ứng tốt từ người tiêu dùng trong những năm gần đây, Michael Kors lại gặp khó khăn. Deglise-Favre thận trọng về thương vụ và nhận xét: "Thương vụ này đi kèm với nhiều rủi ro, do mức giá cao ngất ngưởng và tình trạng suy yếu của Michael Kors sau nhiều năm hoạt động kinh doanh ảm đạm. Tapestry sẽ phải mang lại thành công vang dội như những gì tập đoàn này đã làm được cho Coach và Kate Spade để thay đổi hình ảnh thương hiệu đang đi xuống của Michael Kors, và biến nó trở thành một thương hiệu được yêu thích trở lại, đồng thời duy trì đà tăng trưởng của Versace và Jimmy Choo."
Tờ Bloomberg thông tin, theo phán quyết của thẩm phán, phiên tòa sơ thẩm xem xét yêu cầu của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) nhằm ngăn chặn thương vụ Tapestry Inc. thâu tóm Capri Holdings Limited sẽ bắt đầu vào ngày 9 tháng 9. Phiên điều trần sơ bộ này dự kiến kéo dài khoảng một tuần rưỡi. Nếu thẩm phán chấp thuận yêu cầu của FTC, thương vụ sáp nhập sẽ bị tạm hoãn cho đến khi tòa án nội bộ của FTC đưa ra phán quyết cuối cùng về tính hợp pháp của thương vụ.