Thái Lan điều chỉnh chính sách visa để kích cầu du lịch mùa thấp điểm
Bắt đầu từ tháng 6, Thái Lan sẽ cho phép du khách đến từ 93 quốc gia (hiện tại là 57 quốc gia) lưu trú trong thời gian 60 ngày, đồng thời nhiều quốc gia khác cũng sẽ đủ điều kiện được cấp visa tại cửa khẩu…
Theo Hãng tin Reuters, Chính phủ Thái Lan mới đây đã chấp thuận các điều chỉnh mới đối với chính sách visa, nhằm thúc đẩy ngành du lịch trong mùa thấp điểm. Các điều chỉnh này nhắm tới du khách nước ngoài, du học sinh sau khi tốt nghiệp, người nước ngoài muốn nghỉ hưu ở Thái Lan và "dân du mục kỹ thuật số" - những người làm việc trực tuyến, có thể thay đổi địa điểm linh hoạt thay vì chỉ làm việc ở một địa điểm cố định.
Ông Chai Wacharonke, phát ngôn viên của Chính phủ Thái Lan, cho biết sinh viên nước ngoài sẽ được phép ở lại Thái Lan thêm một năm sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, các yêu cầu về bảo hiểm đối với người nước ngoài muốn nghỉ hưu ở Thái Lan cũng sẽ được nới lỏng. Nước này cũng tăng giới hạn thời gian lưu trú từ 30 ngày lên 60 cho visa của khách du lịch khi đến đây. Hiệu lực của visa "du mục kỹ thuật số" cũng được gia hạn lên đến 5 năm và tăng thời gian cư trú mỗi lần lên đến 180 ngày, thay vì 60 ngày như hiện nay.
Du lịch là động lực chính của Thái Lan - nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai Đông Nam Á và là nguồn tạo việc làm lớn. Vì vậy, Thái Lan đã đưa ra nhiều biện pháp mới nhằm mục đích tăng lượng khách du lịch, đặc biệt là từ các thị trường chính và phát triển nhanh nhất. Thái Lan ghi nhận 14,3 triệu khách quốc tế từ tháng 1 đến ngày 26/5 năm nay và đang nhắm tới mục tiêu đón 40 triệu lượt khách nước ngoài trong cả năm, với doanh thu 3,5 nghìn tỉ baht (95,73 tỉ USD).
Trong khi đó, theo công bố mới nhất về Chỉ số Phát triển Du lịch và Lữ hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Thái Lan đứng ở vị trí 47/119, tụt hơn 10 bậc so với xếp hạng công bố năm 2022. Trong số các quốc gia Đông Nam Á, có 3 nước vượt trội hơn Thái Lan là Singapore (hạng 13), Indonesia (hạng 22) và Malaysia (hạng 35). Chỉ số thấp nhất của ngành du lịch Thái Lan, theo đánh giá của WEF, là về Dịch vụ du lịch và cơ sở hạ tầng đạt 2,18/7, trong khi chỉ số tổng thể về Cơ sở hạ tầng và dịch vụ cũng đạt điểm trung bình thấp là 3,61/7.
Ông Sisdivachr Cheewarattanaporn, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý Du lịch Thái Lan (ATTA) cho biết trên tờ Bangkok Post: "Chúng tôi thất vọng vì quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch không được hình thành. Chính phủ hiện tại có sáng kiến tốt để thu hút khách du lịch, chẳng hạn như chương trình miễn thị thực, nhưng về kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ thì chúng tôi vẫn chưa thấy sự khác biệt so với chính phủ trước”.
Sau kết quả này, Hiệp hội ATTA và các hiệp hội du lịch khác thuộc Liên đoàn Hiệp hội Du lịch Thái Lan sẽ đệ trình Sách Trắng lên Bộ trưởng Du lịch nước này, trong đó nêu ra những mối đe dọa và trở ngại đối với sự phát triển của ngành du lịch ở Thái Lan, đòi hỏi một kế hoạch dài hạn cụ thể, cùng với nỗ lực và hợp tác lớn hơn từ tất cả các bên liên quan, cả khu vực công và tư nhân.
Theo ông Sisdivachr, thay vì cung cấp hỗ trợ một cách phân tán, chính phủ Thái Lan nên chọn các tỉnh có tiềm năng lớn về điểm tham quan và nguồn lực, đồng thời có quy hoạch cơ sở hạ tầng cần thiết ngay từ đầu bằng cách đánh giá tiềm năng mỗi tỉnh, chẳng hạn như tăng cường kết nối đường hàng không và đường bộ. “Nếu chính phủ hiện tại vẫn không thể đẩy nhanh kế hoạch phát triển du lịch hoặc giải quyết những trở ngại hiện tại, thứ hạng của Thái Lan trong bộ chỉ số WEF có thể giảm sâu hơn nữa", ông Sisdivachr cho biết.
Bên cạnh đó, ngành du lịch nước này cho biết dự án kích cầu du lịch mùa thấp điểm sẽ được triển khai từ đầu tháng 7/2024 với 72 hoạt động chủ yếu từ 5 hạng mục liên quan đến "sức mạnh mềm". Chiến dịch này cũng sẽ bao gồm các lễ hội tại những điểm đến nổi bật ở thủ đô Bangkok và các tỉnh Songkhla, Phuket và Ratchaburi.
Tổng cục Du lịch Thái Lan đã sẵn sàng thảo luận với các đơn vị tư nhân để tổ chức nhiều chương trình lớn, bao gồm hỗ trợ các nhà điều hành xe bus du lịch, thúc đẩy những chuyến tham quan hội thảo và khuyến khích các quan chức chính phủ đi du lịch trong nước.
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch Thái Lan cũng sẽ thúc đẩy tăng chuyến bay từ Trung Đông. Nguyên nhân là do khách du lịch từ khu vực này thích đi du lịch Thái Lan vào mùa mưa và yếu tố địa chính trị ở Trung Đông không ảnh hưởng đến du lịch Thái Lan. Đồng thời, Tổng cục Du lịch Thái Lan lên kế hoạch cho một chiến dịch thu hút khách du lịch Trung Quốc trong dịp Quốc khánh Trung Quốc vào đầu tháng 10.
Trước mắt, ông Chai Watcharonke hôm 26/5 cho biết Tổng cục Du lịch Thái Lan sẽ phối hợp các cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực công và tư nhân để tổ chức chuỗi các lễ hội trên toàn quốc nhân Tháng Tự hào (Pride Month) nhằm tôn vinh cộng đồng LGBTQ+. Tại thủ đô Bangkok, các hoạt động chào đón Tháng Tự hào sẽ bắt đầu được tổ chức từ ngày 31/5 và sẽ kéo dài đến hết tháng 6.
Còn tại hòn đảo xinh đẹp Koh Samui, kế hoạch tổ chức Lễ hội quốc tế Samui nhân Tháng Tự hào dự kiến diễn ra từ ngày 24 - 29/6 tới. Trong khuôn khổ lễ hội, cộng đồng LGBTQ+ cùng hàng trăm nghệ sĩ, vũ công… sẽ tham gia các cuộc diễu hành kèm các chương trình văn nghệ, hòa nhạc sôi động.
Giám đốc quản lý sự kiện toàn cầu của Trung tâm thương mại Siam Paragon Sopida Kitikomolsuk cho biết các lễ hội sắp tới sẽ được tổ chức với chủ đề: “Quyền được yêu” nhằm chuyển tải thông điệp về sự đa dạng, bình đẳng và hòa nhập của mọi cộng đồng người dân trong xã hội.
Ông Chai Watcharonke cho biết các hoạt động lễ hội nhân Tháng Tự hào dự kiến sẽ thu hút tới 860.000 khách quốc tế tham gia, mang về khoản doanh thu lên tới 4 tỷ baht (gần 110 triệu USD). Các lễ hội này cũng nhằm đánh dấu việc Thái Lan sẽ trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và nằm trong quá trình chuẩn bị cho việc Thái Lan đăng cai tổ chức Tháng Tự hào toàn cầu vào năm 2030.