Thái Nguyên: TP.Sông Công được công nhận là đô thị loại II
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Quyết định 319/QĐ-TTg công nhận TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên là đô thị loại II…
Sông Công nằm ở phía Nam của tỉnh Thái Nguyên, là thành phố công nghiệp, đô thị bản lề trung chuyển, giao lưu hàng hóa giữa tỉnh Thái Nguyên với các đô thị xung quanh, nhất là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Thành phố có tổng diện tích 97,31 km2, trong đó khu vực nội thị gồm 7 phường với diện tích 51,12 km2; khu vực ngoại thị gồm 3 xã với diện tích 11,28 km2. Dân số toàn đô thị trên 128 nghìn người, mật độ dân số toàn đô thị khoảng 1.319 người/km2, tỷ lệ dân số khu vực nội thị đạt 81,8%, tỷ lệ tăng dân số hàng năm đạt 1,92%.
Theo quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đối với phương án phát triển hệ thống đô thị, Thái Nguyên xác định sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển hệ thống đô thị gắn với phát triển các khu chức năng. Quy hoạch nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động khu công nghiệp, cụm công nghiệp, gắn với quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn, đảm bảo đủ tiêu chuẩn về diện tích, chất lượng công trình, mỹ quan, an toàn và môi trường.
Đến năm 2030, quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Thái Nguyên có 15 đô thị gồm 1 đô thị loại I là TP. Thái Nguyên; 2 đô thị loại II là TP.Sông Công và TP. Phổ Yên; 5 đô thị loại IV là các đô thị mới: thị xã Đại Từ, thị xã Phú Bình, các thị trấn Hóa Thượng – huyện Đồng Hỷ, Đu – huyện Phú Lương, Chợ Chụ - huyện Định Hóa; 7 đô thị loại V là các thị trấn: Trại Cau – huyện Đồng Hỷ, Sông Cầu – huyện Đồng Hỷ, Đình Cả - huyện Võ Nhai, Giang Tiên – huyện Phú Lương, và các đô thị mới Quang Sơn – huyện Đồng Hỷ, Bình Yên – huyện Định Hóa, La Hiên – huyện Võ Nhai.
Phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội TP.Thái Nguyên đồng bộ, hiện đại, giữ vững tiêu chí đô thị loại I, là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục của tỉnh Thái Nguyên; trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, và vùng Thủ đô Hà Nội.
Xây dựng TP. Phổ Yên và TP.Sông Công gắn với xây dựng các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hấp dẫn đầu tư, thu hút lực lượng lao động.
Thái Nguyên cũng dự kiến phát triển 2 vùng kinh tế - xã hội phía Nam và phía Bắc. Trong đó ở vùng phía Nam, cụm TP.Thái Nguyên – Sông Công – Phổ Yên sẽ là khu vực đô thị hóa tập trung, là hạt nhân và là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.