Tham gia chuỗi cung ứng hàng không toàn cầu, doanh nghiệp Việt “chen chân” từ thị trường ngách
Việt Nam đang có cơ hội tiến sâu hơn vào chuỗi chế tạo máy bay của những “ông lớn” như Airbus, Boeing hay Safra thông qua thị trường ngách…
Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tại Diễn đàn Hàng không Việt Nam ngày 21/3, ông Stephane Castet, Chủ tịch Công ty Advanced Business Events (ABE - Cộng Hoà Pháp) cho biết nhiều doanh nghiệp hàng không nhìn thấy cơ hội khai thác tiềm năng tăng trưởng và lợi thế của Việt Nam trong phát triển chuỗi chế tạo cung ứng.
“Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn với lực lượng lao động có tay nghề cao và năng động, ngành công nghiệp sản xuất sôi động và triển vọng tăng trưởng tốt. Các doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Airbus, Boeing, Safran hay Thales… nhìn thấy nhiều cơ hội khai thác tiềm năng của Việt Nam để trở thành một phần của chuỗi cung ứng sản xuất, bảo trì hay đào tạo trong ngành hàng không vũ trụ”, ông Stephane Castet nói.
Theo đó, không chỉ là những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cơ khí hay vận tải, theo Chủ tịch của ABE, các doanh nghiệp thực phẩm hay dược phẩm… cũng có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của ngành hàng không.
HÀNG KHÔNG PHỤC HỒI MẠNH MẼ SAU, NHU CẦU MỞ RỘNG CHUỖI GIA TĂNG
Theo bà Alicja Grzebalska, Phụ trách Marketing Hãng hàng không Airbus khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, du lịch hàng không tăng trưởng liên tục kể từ năm 1975 cho tới năm 2019.
“Sau đó giảm tốc thảm hại do Covid-19 và đang phục hồi trở lại với dự báo tăng mạnh trong giai đoạn từ giữa năm 2023 tới cuối năm 2024”, bà Alicja cho biết.
Trong đó, châu Á – Thái Bình Dương sẽ là khu vực có tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm đầu khi trước đó, giai đoạn 2002-2029, khu vực này đã tăng hơn 4,1 lần, cao hơn đáng kể so với các khu vực Bắc Mỹ, Trung Đông, EU hay châu Phi…
Với nhu cầu đi lại ngày càng tăng, Airbus dự tính sẽ có 39.500 máy bay mới được sản xuất cho tới năm 2041; trong đó 80% trong số này là máy bay một lối đi, còn lại là máy bay thân rộng.
“Do vậy, Airbus có kế hoạch mở rộng chuỗi cung ứng, tìm kiếm đối tác cho các kế hoạch trong tương lai”, bà Alicja chia sẻ.
Còn theo ông Thomas Cochelin, Giám đốc vật tư khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Airbus, hãng đang có hơn 15.000 nhà cung ứng trên khắp toàn cầu cho hơn 1,7 triệu linh kiện. Cùng với Thái Lan, Malaysia, Singapore hay Indonesia… Việt Nam cũng đã gia nhập chuỗi cung ứng của Airbus, tuy nhiên số lượng còn ít ỏi.
Cụ thể, bà Hoàng Tri Mai, Tổng Giám đốc Airbus tại Việt Nam cho biết, các quan hệ đối tác hiện có của Airbus trong lĩnh vực sản xuất linh kiện máy bay bao gồm Artus (Meggitt) Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh cung cấp thiết bị cơ điện cho dòng máy bay A320, máy bay thân rộng A330 và A350. Ngoài ra còn có Nikkiso Việt Nam tại Hà Nội sản xuất các cấu trúc bằng composite cho máy bay A320 Sharklet và các linh kiện cho máy bay A330neo và A350.
“Airbus đang làm việc chặt chẽ với các công ty trong nước cho các đơn hàng mới liên quan đến sản xuất linh kiện phụ tùng máy bay, nhằm đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ chuỗi cung ứng. Chúng tôi mong muốn tăng cường quan hệ đối tác với các tổ chức liên quan trong nước nhằm tiếp tục mở rộng chuỗi cung ứng mới”, bà Mai nói.
CƠ HỘI THAM GIA CHUỖI CUNG ỨNG
Ông Thomas Cochelin cho biết Airbus đang tìm kiếm những doanh nghiệp có quản trị tốt, khả năng cạnh tranh cao và tích cực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để đảm bảo chất lượng và an toàn cho mỗi sản phẩm.
“Tham gia các khóa đào tạo của Airbus, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp hàng không”, ông Thomas Cochelin.
Từ góc nhìn của ABE, ông Stephane Castet cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam phải tăng cường kết nối với các doanh nghiệp như Airbus, Boeing… hay những doanh nghiệp cung ứng cấp 1, cấp 2 để từng bước nâng cao năng lực, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Còn theo ông Dương Nguyên Thành, Phó Giám đốc điều hành công ty TNHH Công nghiệp HAAST Việt Nam, dù hiện tại các cơ sở sản xuất của Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu tập trung để tạo thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho hàng không song cơ hội để đi cùng “người khổng lồ” sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được yêu cầu của của khách hàng và thị trường cũng như nâng cao năng lực kỹ thuật.
“Doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng ngành hàng không muộn hơn so với một số nước nhưng Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Vì thế, đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Nếu chúng ta quyết tâm, tìm ra được cách thức thì doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn”, ông Thành nói.
Cụ thể hơn, theo đại diện HAAST, ngoại trừ một số doanh nghiệp trong lĩnh vực IT có cơ hội trở thành nhà cung ứng cấp 2 trong một số module của Airbus ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đa phần chỉ có thể trở thành nhà cung ứng cấp 3 cho Airbus hay Boeing, nghĩa là cung cấp các linh kiện đơn lẻ hay các cụm linh kiện đơn giản, không đòi hỏi phức tạp ở máy bay.
“Theo tôi, doanh nghiệp Việt Nam có thể hướng tới thị trường ngách phục vụ quá trình sửa chữa, bão dưỡng các bộ phận, thiết bị trên máy bay. Đây sẽ là hướng đi thích hợp cho chúng ta hiện nay”, ông Thành nêu quan điểm.
Triển lãm quốc tế Mạng lưới cao cấp sản xuất, cung ứng, tiêu dùng bền vững lĩnh vực công nghiệp hàng không - AeroExpo Hanoi & Vietnam Aviation Forum 2023 do Sở Công thương Hà Nội phối hợp với ABE tổ chức có sự góp mặt của các hãng hàng không lớn trên thế giới như Airbus, Boeing, Safran, Thales, Mitsubishi, Parker, các hãng hàng không Trung Quốc như China Southern, China Eastern và khoảng 50 doanh nghiệp nước ngoài trên khắp thế giới như Mỹ, Philippines, Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hợp tiếp xúc, trao đổi với các hãng hàng không lớn cũng như các doanh nghiệp đầu chuỗi về cơ hội hợp tác trong tương lai.