Tham vọng chiếm lĩnh thị trường ở Nga, doanh nghiệp Trung Quốc gặp nhiều rào cản

Ngọc Trang
Chia sẻ

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã nhận ra rằng hiện tại không dễ thâm nhập thị trường Nga như trước đây...

Các thương hiệu lớn của phương Tây bắt đầu rời khỏi Nga, để lại khoảng trống lớn tại thị trường này và cũng khiến thị trường Nga trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết với các doanh nghiệp Trung Quốc - Ảnh: Getty Images
Các thương hiệu lớn của phương Tây bắt đầu rời khỏi Nga, để lại khoảng trống lớn tại thị trường này và cũng khiến thị trường Nga trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết với các doanh nghiệp Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Rick Wang biết rằng thời tiết ở Nga có thể ngày càng lạnh. Vì vậy, vị quản lý kinh doanh của một hãng sản xuất áo khoác ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đặt nhiều hy vọng vào chuyến công tác một tuần gặp các khách hàng ở Nga sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

KHÔNG NHƯ KỲ VỌNG

Tuy nhiên, chuyến đi vào đầu tháng này không mang lại kết quả như ông kỳ vọng. Dù đã gặp mặt trực tiếp 5 khách hàng hiện tại và 2 khách hàng tiềm năng, không ai đặt đơn hàng với công ty của ông.

“Thay vào đó, doanh nghiệp Nga ngày càng có xu hướng tìm kiếm nguồn hàng từ các công ty Việt Nam - đối thủ của công ty ông”, ông Wang chia sẻ. “Chúng tôi đã đến hơi muộn. Các đơn hàng lớn đã rơi vào tay các công ty Việt Nam, vì vậy chúng tôi chỉ giành được một số đơn hàng nhỏ. Chúng tôi muốn đơn hàng lớn, trong khi khách hàng lại đòi giảm giá”.

Trở lại năm 2014, khi Nga tuyên bố sáp nhập vùng Crimea của Ukraine, công ty của ông Wang bắt đầu dịch chuyển sang Italy, khiến Nga chỉ còn chiếm một phần nhỏ trong hoạt động kinh doanh quốc tế của công ty.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi trong 12 tháng kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Các thương hiệu lớn của phương Tây bắt đầu rời khỏi Nga, để lại khoảng trống lớn tại thị trường này và cũng khiến thị trường Nga trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết với các doanh nghiệp Trung Quốc như công ty của ông Wang, đặc biệt trong bối cảnh triển vọng xuất khẩu toàn cầu xấu đi.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã nhận ra rằng hiện tại không dễ thâm nhập thị trường của nước láng giềng phương Bắc của mình như trước đây.

“Hàng hóa Việt Nam đã trở nên cạnh tranh hơn nhờ thuế quan thấp và chi phí lao động thấp hơn so với hàng Trung Quốc”, ông Wang giải thích. “Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn khi khách hàng Nga có xu hướng tìm kiếm hàng giá rẻ hơn do triển vọng kinh tế ảm đạm và tầng lớp trung lưu ngày càng co lại của nước này”.

CÂN ĐO ĐONG ĐẾM LỢI ÍCH...

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, một năm sau cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang đánh giá “được và mất” ở thị trường Nga. Cảnh giác với các biện pháp trừng phạt của phương Tây, một số công ty lớn của Trung Quốc đã rút khỏi Nga, trong khi những công ty nhỏ hơn cố gắng tận dụng lợi thế khi điện Kremlin quay sang “bắt tay” với các quốc gia mà họ cho là thân thiện.

“Lĩnh vực xuất khẩu y tế đã có sự tăng trưởng đáng kể trong năm ngoái, một số công ty y tế ghi nhận doanh thu xuất khẩu sang Nga tăng gấp đôi”, ông William Liu, giám đốc tiếp thị của một công ty xuất khẩu thiết bị y tế có trụ sở tại Quảng Đông, cho biết.

Theo số liệu chính thức của Trung Quốc, năm ngoái, Nga nhập khẩu 404,49 triệu dụng cụ và thiết bị y tế dùng cho phẫu thuật, nha khoa hoặc thú y của Trung Quốc, tăng hơn 50,2% so với năm trước đó.

Ông Liu, phụ trách tiếp thị khu vực Nga và Nam Mỹ, hy vọng các đơn đặt hàng từ khu vực châu Á và châu Âu năm nay ít nhất sẽ bằng năm trước, dù ngân sách mua sắm cho các tổ chức y tế công cộng của Nga có thể bị siết chặt vì nước này dự kiến chi nhiều hơn cho quân đội.

“Trong chính sách mua sắm, Chính phủ Nga chắc chắn sẽ ưu tiên các công ty Trung Quốc trong đấu thầu. Nhu cầu mua sắm hàng hóa của Nga đang dịch chuyển từ phương Tây sang Trung Quốc. Suy cho cùng, với dân số gần 150 triệu người, nhu cầu của Nga là rất lớn và ổn định với nhiều mặt hàng”, ông Liu nhận xét.

Tuy nhiên, ông cho biết doanh nghiệp Trung Quốc hiện không thể cạnh tranh thị phần với các dịch vụ y tế cao cấp ở Nga bởi thị trường này phần lớn vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp phương Tây.

Theo Cục Hải quan Liên bang Nga, 5 đối tác thương mại hàng đầu của nước này trong năm 2022 là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Đức và Belarus. Trong đó, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Nga tăng mạnh nhất trong nhóm này. Cụ thể, kim ngạch thương mại Trung-Nga năm 2022 tăng 29,3% lên 190,3 tỷ USD, từ 147 tỷ USD của năm 2021 và 108 tỷ USD của năm 2018. Trong đó, nhập khẩu của Trung Quốc tăng 43,4% và xuất khẩu tăng 12,8%.

Thương mại năng lượng là nền tảng lớn nhất cho thương mại giữa hai quốc gia. Nga hiện là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất và là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai của Trung Quốc. Dù tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc giảm trong năm 2022, nhưng nước này nhập khẩu nhiều hơn từ Nga.

Năm 2018, Trung Quốc và Nga đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương lên 200 tỷ USD vào năm 2024, trong bối cảnh cả hai nước đều có căng thẳng với Mỹ.

Trung Quốc và Nga đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương lên 200 tỷ USD vào năm 2024 - Ảnh: NYTimes
Trung Quốc và Nga đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương lên 200 tỷ USD vào năm 2024 - Ảnh: NYTimes

“Nhiều khả năng mục tiêu đó có thể đạt trong năm nay”, ông Gong Jiong, giám sư kinh tế tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế tại Bắc Kinh, nhận định. “Cuộc chiến ở Ukraine đã ảnh hưởng đáng kể đến thương mại Trung-Nga. Nếu chiến tranh tiếp diễn, thương mại song phương sẽ tiếp tục được củng cố”.

Theo ông Gong, chiến tranh đã khiến Nga phụ thuộc hơn vào hàng hóa Trung Quốc. Ông cho biết các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ quan tâm đến việc tiếp cận những dự án mà các doanh nghiệp phương Tây đã tham gia trước đây và có thể có nhiều khoản đầu tư trực tiếp hơn.

Theo bà Anna Kireeva, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moscow, việc Trung Quốc mở cửa sẽ thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc trong năm nay, bao gồm dầu mỏ và các sản phẩm lọc dầu khác. Tuy nhiên, sự gia tăng này có thể bị hạn chế bởi năng lực vận tải của tuyến đường sắt xuyên Siberia và các điểm nghẽn hậu cần ở Viễn Đông.

Bà Kireeva dự báo nhập khẩu hàng Trung Quốc của Nga sẽ tăng lên, bao gồm hàng tiêu dùng, đồ điện tử, linh kiện ô tô và máy móc.

“Vì xung đột Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt và sẽ ngày càng có nhiều cấm vận từ các nước phương Tây, Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc đa dạng hóa cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu với các thị trường thân thiện. Với quy mô kinh tế và vị trí địa lý thuận lợi, Trung Quốc là lựa chọn tốt nhất cho Nga”, bà phân tích.

...VÀ TÍNH TOÁN RỦI RO

Yan Lin, giám đốc bán hàng cấp cao của một công ty ở Thâm Quyến bán quần áo và đồ gia dụng trên Amazon, cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng mở rộng hoạt động tại Nga.

Ozon, đối thủ bản địa cạnh tranh với Amazon tại Nga, đã mở văn phòng đầu tiên tại Trung Quốc với mục tiêu tới năm 2024 thu hút 100.000 nhà bán hàng trong bối cảnh nhu cầu đối với các sản phẩm Trung Quốc ngày càng tăng.

“Chúng tôi cho rằng người tiêu dùng Nga sẽ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào hàng hóa Trung Quốc. Ngày càng nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc đã mở rộng hoạt động từ Amazon và Shopee sang Ozon” Yan cho biết. Shopee là một trang thương mại điện tử của Singapore.

Tuy nhiên, theo bà Kireeva, các công ty lớn của Trung Quốc với mối liên hệ chặt chẽ với các thị trường phương Tây và nhiều trường hợp vẫn phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ có nguy cơ gặp rủi ro khi làm ăn với Nga và đối mặt với các biện pháp trừng phạt thứ cấp.

“Do đó, những công ty này nhiều khả năng sẽ không thay đổi lập trường trong kinh doanh ở Nga bởi rủi ro lớn hơn nhiều so với lợi ích. Nhưng các công ty nhỏ hơn, ít phụ thuộc hơn vào thị trường và công nghệ phương tây có thể sẵn sàng chấp nhận rủi ro như vậy nếu họ không có quá nhiều thứ để mất”, bà Kireeva phân tích.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc, việc thúc đẩy thương mại với Nga khó có thể bù đắp sự sụt giảm nhu cầu từ phần còn lại của thế giới trong bối cảnh triển vọng thương mại suy yếu và căng thẳng địa chính trị leo thang.

“Rất khó đánh giá triển vọng của năm nay. Chúng tôi sẽ chờ xem liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thăm Nga hay không và các chính sách sau đó như thế nào”, ông KenLiu, đồng sáng lập một công ty sản xuất in kỹ thuật số ở tỉnh Quảng Đông, cho biết. Năm 2022, số lượng đơn đặt hàng từ Nga chỉ chiếm khoảng 2% tổng xuất khẩu của công ty này.

“Chúng tôi lo lắng khi nhu cầu toàn cầu năm nay sụt giảm và các đơn đặt hàng từ Nga cũng không giúp ích nhiều”, ông chia sẻ.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con