Tháng 1/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý thị trường vàng
Những ngày qua, giá vàng miếng SJC biến động tăng/giảm với biên độ lớn, tốc độ nhanh, tạo sự bất thường trên thị trường vàng. Phóng viên VnEconomy đã có cuộc trao đổi với đại diện vụ chuyên môn của Ngân hàng Nhà nước xung quanh vấn đề nguyên nhân giá vàng tăng và sửa đổi bổ sung một số cơ chế quản lý thị trường vàng miếng SJC...
Trao đổi với VnEconomy, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước, nói: "Như chúng ta thấy trong năm 2023, do căng thẳng địa chính trị, ngoại giao, xung đột vũ trang tại một số khu vực trên thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu tăng chậm khiến giá vàng quốc tế biến động mạnh theo hướng tăng là chủ đạo".
Thưa ông, gần đây giá vàng miếng SJC so với các loại vàng miếng khác thương hiệu và vàng trơn biến động thất thường, chênh lệch giá trong nước cao hơn rất nhiều so với giá thế giới, lý do ở đây là gì?
Trên thị trường trong nước, mặc dù nhu cầu vàng miếng SJC đã giảm so với giai đoạn trước khi Nghị định 24 được ban hành, nhưng tâm lý thị trường vẫn chưa hoàn toàn ổn định. Do vậy, có thể thấy nguyên nhân chính khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng trong thời gian qua là do yếu tố tâm lý trước đà biến động tăng của giá vàng thế giới.
Tuy nhiên, qua theo dõi thị trường trong những ngày giá vàng miếng SJC biến động tăng, khối lượng giao dịch mua, bán vàng miếng SJC có tăng nhẹ nhưng không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng như giai đoạn trước đây. Sau khi tăng cao, giá vàng miếng SJC có chiều hướng giảm dần từ chiều ngày 28/12/2023, trên thị trường khách hàng đang có xu hướng bán ròng vàng miếng SJC.
Vàng là tài sản có giá trị cao và giá vàng thường biến động mạnh và khó lường, vừa qua lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đã có thông điệp cảnh báo người dân nên thận trọng trong giao dịch đầu tư vàng.
Theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý và sở hữu thương hiệu vàng miếng SJC, vậy nhà điều hành đã có giải pháp gì để xử lý vấn đề giá tăng quá cao, thưa ông?
Mục tiêu xuyên suốt của Nghị định 24 là quản lý thị trường vàng nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; hạn chế tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ban ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động kinh doanh vàng.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua việc tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đang tổng kết, đánh giá việc triển khai Nghị định 24, trong đó sẽ đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng phù hợp.
Thời gian gần đây có dư luận cho rằng, Công ty SJC độc quyền sản xuất vàng miếng nên lãi cao, ông lý giải vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Từ khi Nghị định 24 được ban hành, Công ty SJC không được sản xuất vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước chỉ thuê Công ty SJC gia công vàng miếng khi có nhu cầu, và hoạt động này được thực hiện dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng: cần sửa đổi cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này như thế nào?
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến các Bộ, ngành chức năng có liên quan, Hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia về báo cáo tổng kết, đánh giá Nghị định 24. Trong tháng 1/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.