Thanh Hóa: Doanh nghiệp may mặc nỗ lực vượt khó
Do những biến động của tình hình thế giới, các doanh nghiệp ngành may mặc đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng việc làm, thu nhập của người lao động. Nhiều doanh nghiệp may mặc tại tỉnh Thanh Hóa lựa chọn việc đa dạng hóa sản phẩm và thị trường tiêu thụ sẽ là giải pháp tối ưu để có thể thích ứng trước những biến động nhanh và khó lường của thương mại toàn cầu.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động tiêu cực, nhu cầu tiêu dùng giảm, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào, vận tải tăng, những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp may mặc, sản xuất giày ở Thanh Hóa bị giảm đơn hàng so với đầu năm.
Một số doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động…
Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn Thanh Hóa phải linh hoạt, nhanh nhạy hơn trước diễn biễn thị trường.
NỚI RỘNG TÀI CHÍNH
Địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 190 doanh nghiệp may mặc, tạo việc làm cho 75.000 lao động và 34 doanh nghiệp giày da, thu hút 130.000 lao động. Qua thống kê, có khoảng 25 doanh nghiệp giảm sử dụng hơn 5.500 lao động, trong đó tỷ lệ lao động thuộc ngành dệt may - giày da chiếm 99,33%, tỷ lệ lao động thuộc ngành sản xuất sản phẩm gỗ, tre, hóa chất, nhựa chiếm 0,67%.
Một số doanh nghiệp giảm sử dụng từ 100 lao động trở lên như: Công ty cổ phần quốc tế ABC-CN Thanh Hóa 120 lao động, Công ty TNHH thương mại Ngọc Ninh 220 lao động, Công ty cổ phần dịch vụ may xuất khẩu Xuân Lam 306 lao động, Công ty TNHH Fruit of the loom Việt Nam giảm 753 lao động...
Dự báo, các doanh nghiệp dệt may, giày da sẽ tiếp tục gặp khó khăn do biến động về lãi suất, tỷ giá, thiếu đơn hàng, cho nên tình trạng cắt giảm việc làm, cắt giảm lao động còn kéo dài ít nhất đến hết quý I/2023.
Ông Vũ Văn Thành, Giám đốc Nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà, Công ty cổ phần tập đoàn Tiên Sơn chia sẻ, lương công nhân năm ngoái được khoảng 9 triệu, năm nay lương bình quân thấp xuống còn 6 triệu vì không có đơn hàng. Tới đây, khoảng tháng 1 - 2/2023, khách hàng đã thông báo sẽ cắt giảm 50 % đơn hàng nên công nhân sẽ phải giảm ngày làm, giảm giờ làm, thậm chí phải nghỉ việc.
Theo ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa, phía hiệp hội thời gian qua đã liên tục tổ chức tọa đàm kiến nghị với các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp giữ vững và tồn tại để phát triển sau này.
Phải nới rộng tài chính, ưu tiên giải ngân cho các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu để có điều kiện bù đắp tiền lương, chế độ, giữ chân người lao động để những năm tiếp theo khi thị trường thế giới ổn định và phát triển, ngành dệt may tiếp tục đóng góp vào ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương.
NỖ LỰC THÍCH ỨNG
Để thích ứng với những khó khăn trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa đều đang rất nỗ thích ứng trước những khó khăn, thách thức từ thị trường. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp không còn phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, mà bắt đầu chuyển dịch sang Nga, các nước Trung Đông.
Đặc biệt, đối với thị trường EU, nếu như trước đây dệt may chỉ tập trung vào một số nước lớn như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, thì nay đã tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu ở nhiều quốc gia khác. Một số doanh nghiệp cũng chuyển dịch đầu tư vào công nghệ để có thể đa dạng hóa mặt hàng và thị trường.
Theo đại diện doanh nghiệp, việc đa dạng hóa sản phẩm và thị trường tiêu thụ sẽ là giải pháp tối ưu để có thể thích ứng trước những biến động nhanh và khó lường của thương mại toàn cầu. Cơ cấu lại mặt hàng sẽ phải đi cùng với đầu tư thêm thiết bị máy móc, công nghệ, đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Với các giải pháp thích ứng linh hoạt, chuyển đổi đồng bộ, nên ngay cả trong thời điểm gặp khó khăn như lúc này, doanh nghiệp vẫn có đơn hàng, người lao động vẫn có việc làm và thu nhập ổn định.
Đại diện chi nhánh Công ty TNHH S&D tại Thanh Hóa cho biết, công ty đã chủ động tìm kiếm các đối tác truyền thống, đối tác mới, vừa động viên người lao động đồng hành cùng công ty chia sẻ những lúc khó khăn, sắp sếp lại dự án đầu tư, dự án nào cần thiết, để tập trung nguồn tài chính cho việc chuyển đổi mặt hàng, đầu tư thiết bị, đào tạo người lao động, để người lao động yên tâm làn việc gắn bó với công ty.
Trước đây, Công ty TNHH S&D sản xuất 100% hàng dệt kim xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc. Khi các thị trường này biến động, lạm phát gia tăng khiến sức mua giảm sút, các đối tác có động thái cắt giảm đơn hàng, thậm chí hủy đơn, doanh nghiệp đã chuyển đổi 40% cơ cấu sản phẩm sang làm hàng sơ mi.
Theo thông tin từ đại diện Công ty TNHH Dụng cụ thể thao Sunrise tại huyện Hoằng Hóa, công ty này chủ yếu sản xuất hàng dệt kim, với những khó khăn trong hiện tại, để có hàng bù đặp cho số hơn 700 lao động, công ty đưa ra các giải pháp tìm nguồn hàng mới, khách hàng mới và chuyển đổi một số mặt hàng sang hàng dệt thoi, thay vì hàng dệt kim và một số hàng khác như trước đây.
Trong khó khăn do lạm phát, sức tiêu dùng đối với mặt hàng dệt may sụt giảm, các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa đã nhanh chóng xoay chuyển tình thế bằng cách cơ cấu lại sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới ngay trong các thị trường truyền thống cũng như tăng cường xúc tiến thương mại ở những thị trường mới.
Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa cũng cho rằng chuỗi cung ứng thay đổi nhanh và khó đoán định, các doanh nghiệp khó có thể xây dựng kế hoạch dài hạn mà cần linh hoạt, nhạy bén nắm bắt thông tin thị trường để thích ứng. Mục tiêu ngắn hạn là có đơn hàng để duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm và ổn định thu nhập cho người lao động, chờ cơ hội phục hồi trở lại của nền kinh tế.